Sáng sớm 24/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ 2 nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk khỏi “sự gây hấn của Ukraine”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga “không có kế hoạch chiếm lãnh thổ Ukraine”. Ông cũng cảnh báo bất cứ nước nào tìm cách can thiệp vào hành động của Nga đều sẽ phải đối mặt vơi “hậu quả chưa từng thấy”.
Đoàn xe quân sự Nga di chuyển trên đường cao tốc ở Crimea, ngày 18/1/2021. Ảnh: AP
Các lệnh trừng phạt có hiệu quả?
Giới chức Mỹ và châu Âu đã tìm cách ngăn chặn Nga tấn công Ukraine bằng tuyên bố áp thêm các đòn trừng phạt. Đầu tuần này, các nước phương Tây công bố một loạt trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể tài chính của Nga sau khi Moscow công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ áp thêm các biện pháp nhằm vào nền kinh tế Nga sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Liên minh châu Âu, khối tiếp giáp Ukraine ở phía Tây, tổ chức họp khẩn cấp trong ngày 24/2 để thảo luận về phản ứng phối hợp. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi hành động của Nga là “ngày đen tối đối với châu Âu”, kêu gọi Nga dừng hành động quân sự ngay lập tức.
Hiện vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt có đủ sức răn đe Nga hay không, bởi các biện pháp tương tự được thực hiện sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã không có hiệu quả.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về các thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management cho rằng, Nga “đang đặt ra tấm Rèm Sắt mới trên khắp châu Âu. Các nước phương Tây cần trừng phạt Nga vì điều này”.
Ukraine đang kêu gọi trợ giúp khẩn cấp và ngay lập tức. Trong một tuyên bố trên Twitter, ngoại trưởng Ukraine Kubela đã nêu một danh sách những việc phương Tây “cần làm”, kêu gọi các nước tăng cường viện trợ tài chính, nhân đạo và cả vũ khí cho Ukraine.
Trong một tuyên bố khác, ông Kubela kêu gọi thế giới ngăn chặn Nga gây thêm tổn thất cho Ukraine.
“Thế giới có thể và cần phải ngăn chặn ông Putin. Giờ là lúc hành động”, ông Kubela nhấn mạnh.
Mỹ và Anh đã gửi viện trợ tài chính và cả khí tài quân sự cho Ukraine. Trong khi các nước châu Âu khác đề xuất tăng cường khí tài quân sự để củng cố sườn phía Đông của châu Âu.
Ukraine không phải là thành viên EU hay NATO, và vì thế NATO không có trách nhiệm ràng buộc phải bảo vệ Ukraine. Vậy phương Tây có thể làm gì để ngăn chặn khả năng Nga hoàn toàn kiểm soát Ukraine. Hiện chưa rõ liệu Mỹ và EU có sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự hay không.
Ông Henry Rome, Giám đốc bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Eurasia Group dự đoán sẽ sớm có một gói trừng phạt nhằm cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của nước này.
“Điều đó sẽ bao gồm việc Mỹ đưa nhiều ngân hàng lớn của Nga vào danh sách trừng phạt, áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với công nghệ tiên tiến và mở rộng phạm vi trừng phạt đối với giới nhà giàu và gia đình của các nhân vật chính trị cấp cao”, ông Rome nói.
“EU và Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự. Chúng tôi dự đoán các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ đi xa hơn kế hoạch mà họ đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, theo đó loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn sẽ bị gạt sang một bên”, ông Rome nhận định.
Sau khi Nga công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, Đức đã thông báo dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc.
Chiến tranh lạnh mới
Sức ép đối với các nước phương Tây hiện nay là làm thế nào để ngăn cản Nga có lập trường gây hấn hơn, đặc biệt đối với các nước láng giềng và các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Điều khiến Ukraine đặc biệt quan trọng là vị trí của nước này ở sườn bên phải của châu Âu. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine dần tìm cách liên kết với châu Âu, mong muốn trở thành thành viên của cả EU và NATO.
Sự xoay trục của Ukraine sang phương Tây khiến Nga lo ngại. Nga đã tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý rằng Ukraine sẽ không bao giờ có thể gia nhập NATO, bởi điều này có thể đưa biên giới của liên minh quân sự tới sát Nga. Tuy nhiên, đề nghị này bị NATO từ chối.
Nhà phân tích Henry Rome thuộc Eurasia Group, cho biết chiến dịch quân sự của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có “tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu” và “cuộc tấn công của Nga sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga mới”.
“Điều đó cũng sẽ đánh dấu sự trở lại của một đường biên giới được quân sự hóa đáng kể ở châu Âu, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước NATO, từ các nước Baltic đến các nước khu vực Biển Đen. Mỹ và NATO sẽ đối mặt với nguy cơ xung đột tràn sang Ba Lan, Hungary hoặc Romania... kéo các thành viên liên minh vào xung đột. Cuối cùng, dòng người tị nạn khổng lồ dường như đang dần hiện ra phía trước”, ông Rome cảnh báo./.
VOV.VN(Theo CNBC)