Tiếng Việt | English

27/10/2017 - 14:01

Ngành Điện lực phải thực hiện đúng lời hứa với dân

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (trực tiếp) lần thứ 3 giữa 2 kỳ họp với lãnh đạo Sở Công Thương và Công ty (Cty) Điện lực Long An về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực điện lực, vào chiều ngày 26/10/2017.

Phiên chất vấn do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang, Nguyễn Minh Lâm chủ trì.

Điện sinh hoạt còn thiếu, chưa an toàn

Theo đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh còn 846 hộ dân chưa được sử dụng điện, có nơi tỷ lệ này rất cao (ấp 3, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa có 55 hộ). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện kế tổ vẫn còn cao, trung bình mỗi điện kế tổ có từ 7-8 hộ, cá biệt có nơi lên đến 57 hộ. Từ thực trạng trên, ông yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương trình bày những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người dân, góp phần hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh về chất lượng cung cấp điện, giá điện và lộ trình xóa điện kế tổ.

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, vì nhu cầu vốn đầu tư hiện nay cần hơn 500 tỉ đồng/năm, trong khi nguồn vốn Cty Điện lực Long An được Tổng Cty Điện lực miền Nam phân bổ có hạn. Trước mắt, Cty Điện lực Long An sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản năm 2017 là 94 tỉ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng điện cấp thiết, nâng cao chất lượng thắp sáng cho nhân dân cũng như xóa dần điện kế tổ.

Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương bố trí vốn để thực hiện dự án về điện theo Quyết định số 2081 của Chính phủ. Dự kiến các công trình trên đưa vào vận hành về cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân khu vực nông thôn, các khu vực chưa có lưới điện quốc gia và giải quyết tình trạng người dân mua điện lại với giá cao. Theo kế hoạch, sẽ giải quyết các trường hợp điện kế câu lại đến năm 2020.

Theo Giám đốc Cty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng, thời gian chờ Dự án 2081 triển khai, Cty cân đối bố trí khoảng 3,4 tỉ đồng để đầu tư nhằm cơ bản giải quyết cấp điện cho 55 hộ dân thuộc khu vực kênh Sình Môn, ấp 3, xã Bình Hòa Đông, công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Về lâu dài, Cty tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án để có thể triển khai thực hiện đầu tư hoàn chỉnh lưới điện khu vực này trong thời gian tới.

Điện sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu

Theo đại biểu Trương Văn Triều - đơn vị huyện Bến Lức, hiện nay, điện phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ông đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết thực trạng về khả năng cung ứng điện phục vụ sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện nay; dự báo khả năng cung ứng điện trước nhu cầu phát triển công nghiệp thời gian tới và các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đại biểu Trương Văn Triều đề nghị Sở Công Thương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện sản xuất

Ông Lê Minh Đức cho biết, hiện nay, các trạm nguồn 110kV trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải điện cho khách hàng, xét về nguồn thì không thiếu các trạm biến áp 110kV đang mang tải <80%. Tuy nhiên, do các trạm này nằm xa nhau nên việc hỗ trợ cấp điện qua lại giữa các trạm bị hạn chế. Về lưới điện trung áp 22kV, qua theo dõi các thông số vận hành của các phát tuyến 22kV thì các tuyến đều vận hành trong tình trạng mang tải <80% tải, tuy nhiên, bán kính cấp điện xa khả năng hỗ trợ cấp điện qua lại giữa các phát tuyến còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện trong sản xuất, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu các Cty, doanh nghiệp sử dụng thiết bị điện phải kiểm định định kỳ theo quy định tại Thông tư số 39, ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương quy định về hệ thống điện phân phối nhằm hạn chế sự cố xảy ra.

Cty Điện lực Long An cũng đang thực hiện giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra sự cố đột xuất: Tăng cường sứ đứng từ 24kV lên 36kV; thay dây dẫn trần bằng dây nhôm bọc nhằm tăng cường cách điện; tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản để đạt tiêu chí N-1 trong cung cấp điện (khi 1 trạm bị sự cố mất điện, sẽ có trạm dự phòng để cấp điện cho các phụ tải) - ông Đoàn Tấn Năng thông tin.

Bên cạnh tình trạng thiếu điện sinh hoạt ở một số nơi, nhu cầu về điện cho sản xuất công nghiệp chưa bảo đảm, các đại biểu HĐND tỉnh còn chất vấn Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc Cty Điện lực Long An về tiến độ đầu tư các công trình điện, nhất là việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện giai đoạn 2011-2015; việc thiếu điện phục vụ sản xuất công nghiệp; vai trò quản lý nhà nước về việc bảo đảm an toàn lưới điện;... Tại phiên chất vấn, những vấn đề đại biểu đặt ra đều được cơ quan liên quan giải đáp thỏa đáng, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Kết thúc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị, UBND tỉnh, các ngành chức năng, nhất là Sở Công Thương, Cty Điện lực Long An và các cơ quan liên quan, tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các định hướng, giải pháp, cam kết, thực hiện đúng lời hứa với người dân. Trong đó, cần đẩy nhanh thực hiện lộ trình xóa điện tổ; rà soát lại việc cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của người dân để có giải pháp đưa điện về vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra tình trạng đến nay, người dân vẫn chưa được sử dụng điện./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết