Tự hào tiếp bước
Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, nền giáo dục tỉnh vẫn duy trì, củng cố và phát triển, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến ở từng thời kỳ. Nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu của nền giáo dục cách mạng thời chiến. Trong đó, có thầy Hồng Son Đỏ - người trực tiếp đứng lớp đào tạo Trung đội nữ giáo viên (GV) Kiến Tường (khóa học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Kiến Tường thời chống Mỹ) hay những tấm gương yêu nước, kiên trung của thầy, cô giáo ở Đức Hòa - Hậu Nghĩa,... Giữa “mưa bom, bão đạn”, các thầy, cô giáo vẫn bền gan, vững chí với sự nghiệp “trồng người”.
Tiếp bước truyền thống, giáo viên thế hệ hôm nay luôn hết lòng vì học sinh thân yêu
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thời kỳ trước đổi mới, KT-XH đất nước rơi vào khủng hoảng, ngành GD&ĐT tỉnh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. GV dạy học trong điều kiện khó khăn (nhất là khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh), lương thấp nhưng với tinh thần quyết tâm, họ vượt qua mọi gian khổ, cống hiến sức mình để “vực dậy” nền giáo dục tỉnh, góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương.
Viết tiếp truyền thống vẻ vang ấy, các thầy, cô giáo thế hệ hôm nay càng nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ cao cả “trồng người” để xứng đáng với thế hệ nhà giáo đi trước. Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - GV Trường Mầm non Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), chia sẻ: “Các thế hệ nhà giáo đi trước, nhất là nhà giáo kháng chiến, nhà giáo lão thành luôn là tấm gương sáng để tôi học hỏi và noi theo. Nhờ vậy, tình yêu nghề, mến trẻ trong tôi luôn được bồi đắp và lớn dần. Gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi luôn tâm niệm phải không ngừng đóng góp, cống hiến sức mình vì sự nghiệp “ươm mầm” thế hệ tương lai của đất nước”.
Trong xu thế hội nhập phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời đại 4.0, các thầy, cô giáo không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,... đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay.
Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo - GV Trường Tiểu học Việt Lâm (huyện Châu Thành), thổ lộ: “Mang trên mình sứ mệnh của “người lái đò”, tôi không ngừng tích lũy, nỗ lực từng ngày, đặc biệt là không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có hay đạt được mà luôn cố gắng khắc phục khó khăn, tận tâm, tận lực với nghề, tạo động lực giúp ích cho các thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Những thành quả đáng tự hào
Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Với quan điểm xuyên suốt đó, ngành GD&ĐT tỉnh luôn được quan tâm, đầu tư và không ngừng đổi mới, phát triển, đáp ứng yêu cầu của xã hội, nhất là phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nổi bật là kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG). Hiện toàn tỉnh có 591 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn 188/188 xã, phường, thị trấn được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện dạy và học; có 321 trường đạt CQG, đạt 54,31%; nhiều trường tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày; nhiều phòng học, phòng chức năng được nâng cấp, sửa chữa, xây mới; học sinh (HS) dù thuộc vùng sâu, biên giới cũng được học tập trong môi trường sư phạm thuận lợi với đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo chất lượng.
Giáo dục được quan tâm, đầu tư, học sinh được học tập trong điều kiện thuận lợi
Hiệu trưởng Trường TH&THCS Bình Hòa Đông (huyện Mộc Hóa) - Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Nhờ được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trường có thêm điều kiện thuận lợi trong xây dựng trường đạt CQG. Từ khi trường đạt CQG, điều kiện học tập của HS ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được niềm tin cho phụ huynh và xã hội”.
Trường TH&THCS Bình Hòa Đông đạt chuẩn quốc gia và là môi trường học tập thuận lợi cho học sinh
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT “Lấy HS làm trung tâm”, “Lấy nhà trường làm nền tảng”, “Lấy thầy cô giáo làm động lực”, ngành GD&ĐT tỉnh không ngừng phấn đấu, vươn lên, quyết tâm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ ở từng năm học, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục “mũi nhọn” như Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh” là 1 trong 3 chương trình đột phá để hướng đến mục tiêu “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Theo đó, các trường quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi, giúp các em phát huy năng lực, sở trường; nhân rộng trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao, mô hình trường tiên tiến, hiện đại và đặc biệt là Trường THPT Chuyên Long An tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để đào tạo, bồi dưỡng thêm nhiều HS giỏi, tham gia các đấu trường quốc gia và góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Với những nỗ lực đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh có khoảng 110 HS đoạt giải HS giỏi cấp quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022
Ngoài ra, ngành GD&ĐT tỉnh còn đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ huy động HS đi học đúng độ tuổi ngày càng cao, tính đến năm học 2022-2023 có 99,99% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và 99,95% HS tiểu học, 95,35% HS THCS, 74,35% HS THPT đi học đúng độ tuổi. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GV được quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Toàn tỉnh hiện có 2 nhà giáo nhân dân, 192 nhà giáo ưu tú. Năm 2021, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS đạt chuẩn mức độ 2; xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2; thanh niên trong độ tuổi 18-21 có trình độ học vấn THPT và tương đương đạt 82,88%;...
Dù còn nhiều khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh vẫn luôn quyết tâm, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, góp phần đưa nền giáo dục tỉnh nhà đi lên cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định trong Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phải đối mặt trên con đường đi lên phía trước nhưng đó là thời điểm tạo ra nhiều động lực, cơ hội mới để đội ngũ nhà giáo tư duy nhiều hơn, sáng tạo hơn, trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn cho công tác giảng dạy của mình; đồng thời, phải luôn bền gan, vững chí song hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà. |
Ngọc Thạch