Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi giới thiệu một số thành quả trong công tác chuyển đổi số của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính trông khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Long An. Ảnh: Kiên Định
Thúc đẩy phát triển
Giám đốc Sở TT&TT - Nguyễn Bá Luân cho biết: Năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà, tạo lực để thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, nắm bắt cơ hội, chủ động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ khi các dự án lớn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh; thực hiện chủ động, nhanh việc chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng ngành TT&TT đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo tỉnh và TP.Tân An thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Ảnh Thanh Nga
6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 149 tỉ đồng, nộp ngân sách 7 tỉ đồng (tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2022); tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đạt 96.428 hồ sơ; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đang hoạt động. Hai doanh nghiệp bưu chính cũng hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tỉnh.
Đến nay, có 65.828 tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử với 8.373 sản phẩm; tổng giá trị hàng hóa giao dịch thành công đạt 401 triệu đồng.
Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 1.231 tỉ đồng, nộp ngân sách 76 tỉ đồng (tăng 4% so với năm 2022). Ngành duy trì tổ chức phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh (5 trạm BTS 5G của Viettel tại TP.Tân An và các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa); đồng thời, phối hợp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trạm thu phát sóng di động trong khu, cụm công nghiệp; rà soát cung cấp thông tin vùng lõm sóng di động; khảo sát nhu cầu sử dụng Internet cáp quang của khu vực, hộ gia đình chưa có cáp quang phục vụ tới.
Toàn tỉnh hiện có 213 cơ sở in được cấp giấy phép hoặc xác nhận đăng ký hoạt động, tăng 11 cơ sở so với năm 2022. Tổng doanh thu trong lĩnh vực in đạt 9.200 tỉ đồng, nộp ngân sách 471 tỉ đồng (tăng 8,1% so với năm 2022); doanh thu lĩnh vực phát hành đạt 69,7 tỉ đồng, nộp ngân sách 700 triệu đồng (tăng 9% so với năm 2022).
Bên cạnh đó, lĩnh vực báo chí - truyền thông còn giúp bồi đắp niềm tin, hun đúc khát vọng cống hiến của người dân, tạo nên động lực chủ yếu cho sự phát triển của địa phương. Từ năm 2021 đến nay, có khoảng 10.000 tin, bài viết của báo chí ngoài tỉnh đăng tải thông tin về Long An.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Sở TT&TT phối hợp mở nhiều lớp nâng cao nhận thức, kỹ năng số; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ứng dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên. Trung tâm Điều hành thông minh, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh cũng cơ bản hình thành chức năng, hiện có 226 bộ dữ liệu trong kho. Đến nay, toàn tỉnh có 996 tổ công nghệ số cộng đồng với 5.324 thành viên, phủ kín 188 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng “Long An Số”, Tổng đài 1022, các nền tảng số, dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến,... từng bước xóa ranh giới khoảng cách số.
Đoàn viên, thanh niên tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng “Long An Số”
Chị Phạm Hồng Cúc (SN 1995, ngụ TP.Tân An) chia sẻ: “Chuyển đổi số giúp cuộc sống tiện lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết. Hầu hết mọi hoạt động dần được chuyển sang hình thức online. Từ lâu, tôi không còn giữ thói quen đem theo nhiều tiền mặt, việc thanh toán các khoản chi tiêu, mua sắm rất dễ dàng qua các mã QR. Sóng 4G, 5G mượt mà hơn, giờ đây, việc nhận, gửi và đọc tài liệu có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi; giải quyết công việc cũng nhanh chóng hơn”.
Dịch vụ công trực tuyến xếp tốp đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 339.184/347.309 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 97,66%). Hồ sơ giải quyết đúng hạn trên hệ thống “một cửa điện tử” đạt 99,8%; trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước đạt 100%; văn bản đi được ký số đạt 99,9%; sử dụng hộp thư điện tử đạt 91%. Ngoài ra, ứng dụng “Long An Số”, Tổng đài 1022 từng bước lan tỏa trong người dân; an ninh mạng, an toàn thông tin được bảo đảm. Đến nay, có 55.000 người cài ứng dụng “Long An Số”, có 911 phản ánh, kiến nghị gửi về tổng đài; có 9.000 người truy cập và sử dụng “Long An Số” trên nền tảng miniapp của Zalo. Hiện điện thoại thông minh/dân số đạt 88%; hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 86%.
Ông Nguyễn Bá Luân thông tin, 6 tháng cuối năm 2023, ngành TT&TT nhất quán lấy quản lý báo chí truyền thông làm nền tảng, sáng tạo chuyển đổi số làm đột phá, bảo đảm an toàn thông tin, giữ vững an ninh mạng là hướng đi.
Với quyết tâm chính trị cao, tin tưởng rằng, ngành TT&TT sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và lập nên những thành tích mới trong thời gian tới./.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Sở TT&TT hoàn thành 6/12 nhiệm vụ, trong đó, có 5 nhiệm vụ đúng hạn:
(1) Chủ trì tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
(2) Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng giao tiếp, phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí, thông tin trên mạng cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
(3) Cung cấp 89,35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (kế hoạch là 35%) và triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov) để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
(4) Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh tỉnh Long An tại Quyết định số 13079/QĐ-UBND, ngày 23/12/2021.
(5) Hoàn thành thiết lập kênh họp trực tuyến phục vụ thông tin đối ngoại giữa tỉnh Long An và 2 tỉnh: Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia) vào tháng 7/2021.
Một nhiệm vụ hoàn thành trước hạn là 89,35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (kế hoạch là 80%) có giao diện dành cho desktop và giao diện riêng cho thiết bị di động; đồng thời, được tích hợp cung cấp trên Nền tảng công dân số “Long An Số” (ứng dụng thiết bị di động tương thích với các nền tảng hệ điều hành di động phổ biến là Android và iOS).
|
Trà Long