Tiếng Việt | English

11/03/2020 - 09:50

Nghị quyết phiên họp Chính phủ: Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Chính phủ thống nhất đánh giá Việt Nam đã bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tập trung cách ly, không để lây lan.

Thành viên Chính phủ và khách mời dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, quyết liệt thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc” của các cấp, các ngành, chúng ta đã bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tập trung cách ly, không để lây lan, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, lực lượng quân đội, công an, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, đặc biệt là ngành y tế, đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban Chỉ đạo địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện nghiêm giải pháp cách ly

Dự báo diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, khu vực và nhiều nước đối tác lớn, qua đó tiếp tục tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước và cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để ứng phó hiệu quả, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020, số 10/CT-TTg ngày 25/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19; trong đó lưu ý tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly hành khách đi từ vùng có dịch hoặc đi qua vùng có dịch vào Việt Nam.

Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương chủ động, kịp thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, phối hợp rà soát, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Không để bị động, bất ngờ

Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, cập nhật các kịch bản tăng trưởng, phương án và đối sách ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới, khu vực, không để bị động, bất ngờ; theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, thị trường, bảo đảm giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế và trong nước, nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, có phương án, đối sách phù hợp thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cắt giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và người dân, kịp thời hỗ trợ, bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra để phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm cần nỗ lực vươn lên mạnh mẽ đóng góp tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thành giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay; hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ... cho khách hàng vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Có giải pháp giãn, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp giãn, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Giao Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng bị tác động; có các giải pháp phù hợp quy định pháp luật để phục hồi, phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững.

Các bộ, ngành khẩn trương rà soát và đề xuất miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính kịp thời ban hành văn bản pháp luật theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Liên bộ Công Thương-Tài chính khẩn trương xem xét điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường thế giới và hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá tình hình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị thiếu, ngừng việc hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo đúng các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và các văn bản có liên quan; tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19.

Theo dõi, có các phương án, giải pháp cụ thể hỗ trợ kịp thời người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Rà soát, có biện pháp cụ thể hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trong lĩnh vực do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tạo thuận lợi tối đa thu hút khách du lịch từ các thị trường truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới sau khi công bố hết dịch bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tiếp tục hướng dẫn toàn ngành và các sở giáo dục và đào tạo triển khai các biện pháp kiểm soát, vệ sinh, khử trùng lớp học, bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động phối hợp kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét duyệt nhân sự, làm thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch đến từ những vùng không có dịch; phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là đối với công dân Việt Nam ở các vùng dịch COVID-19.

Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi Nghị định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phép thông qua đấu giá theo trình tự thủ tục rút gọn; khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo Quyết định: Về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức; về một số chế độ ưu đãi và cơ chế tài chính đặc thù cho cán bộ kỹ thuật và lực lượng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tấm gương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động, sản xuất và phòng, chống dịch COVID-19, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật; đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương khẩn trương hoàn thành việc triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 trong tháng 6/2020.

Báo cáo kết quả sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt; chú trọng phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt các kênh phân phối, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng; theo dõi sát diễn biến thị trường, chuẩn bị đủ nguồn cung hàng hóa, bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các cơ sở bán lẻ.

Tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu quan trọng, đồng thời mở rộng thị trường mới. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; trình Thủ tướng Chính phủ chương trình hành động triển khai Hiệp định; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác lợi thế, cơ hội từ Hiệp định; xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường nông sản và thủy sản châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường chính ngạch với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cần làm ngay để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2020.

Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, công trình giao thông trọng điểm, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ga hành khách T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tái cơ cấu mạnh mẽ ngành hàng không; phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục để nâng cấp, cải tạo các đường băng của các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Đồng thời, rà soát, có giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Có biện pháp hiệu quả giảm giá thịt lợn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phòng, chống cháy rừng; khẩn trương trình Chính phủ phương án tổng thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản và giảm chi phí cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh sản xuất và chế biến nông sản, tạo chuỗi liên kết; kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; tổ chức tái đàn với cơ cấu hợp lý, có giải pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đặc biệt là cung ứng đủ thịt lợn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp hiệu quả để giảm giá thịt lợn. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng."

Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi nhận ở cả 4 cấp chính quyền

Về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực xây dựng Chính phủ điện tử và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về Chính phủ điện tử trước ngày 30/4/2020.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương gương mẫu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; phối hợp chặt chẽ trong việc liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi nhận ở cả 4 cấp chính quyền và 80% các đơn vị thuộc bộ, 60% các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 30% đơn vị thuộc Ủy ban Nhân cấp huyện xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia trong quý 2 năm 2020, bảo đảm đến hết năm 2020 ít nhất 30% chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, cơ quan được chọn triển khai thí điểm, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong tháng 3/2020./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết