Tiếng Việt | English

17/01/2024 - 19:57

Nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi

Thời điểm này, người chăn nuôi ráo riết chăm sóc đàn vật nuôi để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ xuất hiện, bùng phát và lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong đó, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang xuất hiện trở lại, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh dịch tả heo châu Phi

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh dịch tả heo châu Phi

Bà Nguyễn Thị Lụa (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Giá heo ở thời điểm này quá thấp, lại thêm DTHCP xuất hiện trở lại nên người chăn nuôi rất lo. Để phòng dịch bệnh, tôi thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi và bổ sung vitamin vào thức ăn cho heo”.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, DTHCP xảy ra tại 4 hộ thuộc 3 xã ở 3 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh và Tân Hưng với tổng số heo tiêu hủy 69 con, tổng trọng lượng 2.879kg. Hầu hết các đàn heo nhiễm bệnh đều có triệu chứng bỏ ăn, tiêu chảy, ói, xuất huyết đỏ vùng da.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh, qua kiểm tra, xét nghiệm, ngành chức năng các địa phương xác định các đàn heo bị DTHCP và tiến hành thống kê, tiêu hủy theo quy định; đồng thời, tổ chức khoanh vùng, dập dịch, không để mầm bệnh phát tán, lây lan ra các vùng lân cận.

“Để phòng ngừa bệnh DTHCP tái phát, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngành Chăn nuôi tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, cán bộ thú y cần thường xuyên hướng dẫn, khuyến cáo hộ chăn nuôi khử trùng, quét dọn, vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi hàng ngày; định kỳ tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 1 tuần/lần; vận động người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng loạt tại các địa phương.

Đồng thời, triển khai ký cam kết thực hiện phòng, chống bệnh DTHCP đối với người chăn nuôi heo, thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không giết mổ, không bán heo bệnh, chết; không buôn bán, sử dụng heo, sản phẩm thịt heo mắc bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không vứt xác heo ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý, chế biến làm thức ăn cho heo)” - bà Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết