Tiếng Việt | English

25/03/2024 - 10:42

Nhạc sĩ Kiều Tấn: 'Tôi dành tình cảm sâu nặng cho Long An'

Đầu tháng 3/2024, nhạc sĩ Kiều Tấn từ TP.HCM về Long An tặng Bảo tàng - Thư viện tỉnh, các câu lạc bộ đờn ca tài tử (ĐCTT) thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh một số bản sách Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/vọng cổ - guitar phím lõm do ông vừa viết xong. Đây là công trình đầy tâm huyết mà nhạc sĩ đã dày công thực hiện nhằm hệ thống hóa các thông tin, tư liệu đang có để truyền đạt lại cho thế hệ sau.

Nhạc sĩ Kiều Tấn tặng sách cho Bảo tàng - Thư viện tỉnh (Ảnh: NVCC)

“Tôi dành tất cả cho Long An”

Là nhà nghiên cứu có vốn kiến thức phong phú về cả nhạc tài tử lẫn nhạc hiện đại nên khi viết quyển Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/vọng cổ - guitar phím lõm, nhạc sĩ Kiều Tấn đã phân tích, lý luận về âm nhạc tài tử một cách có hệ thống, đáp ứng về mặt khoa học, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.

Sách có 3 nội dung chuyên sâu về âm nhạc tài tử, cải lương và cây đờn guitar phím lõm. Tác giả phân tích rõ về sự biến hóa linh hoạt của cải lương so với nhạc tài tử, trong đó nói sâu về bản Dạ cổ hoài lang và đặc biệt chú trọng vai trò của đờn guitar phím lõm trong dàn nhạc của đoàn cải lương.

Từng tiếp cận công trình của nhạc sĩ Kiều Tấn từ khi mới còn là bản thảo, nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định: "Điểm nhấn đặc biệt của quyển Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/vọng cổ - guitar phím lõm là Kiều Tấn dành thời gian ký âm các bản đờn của những bậc thầy đờn ghita phím lõm. Đó là tư liệu quý cho người muốn học nâng cao về ghita phím lõm. Sách trình bày kết hợp giữa lịch sử và chuyên môn, tân nhạc và cổ nhạc nên khá dễ hiểu, phù hợp cho nhiều đối tượng”.

Nhạc sĩ Kiều Tấn chia sẻ, khi tặng 30 bản sách vừa xuất bản, ông dành hơn 20 quyển cho Long An. Nhạc sĩ Kiều Tấn nói: “Quyển sách của tôi xuất bản nhân dịp 10 năm ĐCTT Nam bộ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Long An vốn được xem là cái nôi của nhạc tài tử - nơi hậu tổ - thầy Ba Đợi lưu lại truyền dạy âm nhạc tài tử; quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu; quê hương của đệ nhất danh cầm miền Nam - Văn Vĩ,... Khi quyển sách được in, tôi nghĩ ngay đến Long An. Tôi là người Long An nên muốn dành những tình cảm sâu nặng của mình cho Long An”.

Người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Kiều Tấn sinh năm 1954 tại TP.Tân An, trong một gia đình trung lưu. Cha và các anh của ông đều rất say mê ĐCTT nên từ nhỏ, ông được đắm mình trong dòng âm nhạc cổ truyền. "Khi tôi mới lên 5, mỗi dịp cuối tuần, gia đình tổ chức liên hoan ĐCTT. Sau một số biến cố, tôi cùng mẹ và anh trai về Đồng Tháp sinh sống. Anh tôi cũng là người say mê nhạc tài tử nên mời thầy về dạy đờn, ca. Có lẽ đó là nền tảng đầu tiên để tôi “bén duyên” và gắn bó suốt đời với ĐCTT” - nhạc sĩ Kiều Tấn kể.

Từ khi còn là thiếu niên, ông đã nổi tiếng trong vùng về tài đờn, ca. Không chỉ chơi được nhạc tài tử, ông còn biết về tân nhạc, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ và được nhiều người yêu mến. Vốn có tài năng nên trong quá trình mày mò tự học, ông sáng kiến ra cách chép nhạc để việc học được dễ dàng hơn.

Năm 1973, ông lên TP.HCM học đại học ngành Luật và được mời làm thầy dạy nhạc. Đó chính là bước đệm cho hành trình nghiên cứu âm nhạc tài tử của ông sau này.

Năm 1979, Viện Nghiên cứu Âm nhạc TP.HCM thành lập, nhạc sĩ Kiều Tấn được giới thiệu đến làm việc tại Viện. Chỉ 2 năm sau, ông có công trình nghiên cứu đầu tay: Âm nhạc dân gian của người Mạ ở Lâm Đồng. Năm 1982, ông bắt đầu nghiên cứu về cây đàn guitar phím lõm. Nhờ vậy, nhạc sĩ có cơ hội tiếp cận, làm việc cùng các nhạc sư nổi tiếng: Văn Vĩ, Giáo Thinh,... và sưu tập nhiều tư liệu quý.

Mặc dù có tài năng và niềm say mê đặc biệt với âm nhạc nhưng đến khi về công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ vẫn chưa có bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này. Vì khát khao học hỏi và muốn đào sâu nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Kiều Tấn vừa nghiên cứu, vừa theo học đại học các ngành: Âm nhạc, Văn học và cả Báo chí. Trong vòng 7 năm, ông tốt nghiệp 3 bằng cử nhân.

Song song đó, nhạc sĩ cũng hoàn tất nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc về âm nhạc tài tử như Phương pháp ký âm, Điệu thức âm nhạc tài tử,... Một trong số các công trình đó có mặt tại Đức và tạo cơ duyên cho nhạc sĩ nhận học bổng du học Đức. Trong quá trình học tập và nghiên cứu ở xứ người, ông xuất bản quyển sách Đàn guitar phím lõm.

Sau khi về nước, nhạc sĩ về Đài Phát thanh và Truyền hình TP.HCM công tác vào năm 1995 và phụ trách chuyên mục Ca nhạc - Cải lương của đài FM. Thời điểm đó, hệ thống đài phát thanh trên cả nước chưa có chương trình nào về ĐCTT. Nhạc sĩ Kiều Tấn là người đề xuất thành lập chương trình ĐCTT và cải lương. Ông trở thành người tiên phong đưa các bài bản tài tử vào chương trình phát thanh. Không chỉ phát các bản ĐCTT, nhạc sĩ Kiều Tấn còn trực tiếp phân tích, lý luận, giới thiệu các điệu tài tử đến thính giả gần xa và được đón nhận nhiệt tình.

Khi đảm nhận vai trò Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM, ông đề xuất sản xuất nhiều chương trình về tài tử, cải lương "đình đám” cho đến bây giờ: Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ, Tiếng đàn tri âm,... Tất cả đều trở thành chương trình “hot”, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người mộ điệu và trở thành các chương trình được chờ đợi nhất. Qua Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ,... nhiều nghệ sĩ cải lương có cơ hội tỏa sáng trên con đường nghệ thuật.

Nhạc sĩ Kiều Tấn ký tặng sách tại Long An (Ảnh: NVCC)

Từ những nỗ lực không ngừng đó, nhạc sĩ Kiều Tấn vinh dự nhận 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của người nhạc sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Cũng trong giai đoạn 1999-2004, nhạc sĩ Kiều Tấn là 1 trong 2 nhà báo đầu tiên của Đài Truyền hình TP.HCM được bầu làm đại biểu HĐND TP.HCM.

Mãi đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Kiều Tấn vẫn đau đáu với nền âm nhạc tài tử của nước nhà. Không muốn những hiểu biết, tư liệu mình đang nắm giữ bị mai một và mất đi, nhạc sĩ quyết định viết quyển Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/vọng cổ - guitar phím lõm để có thể gửi gắm vào đó mọi tâm huyết của bản thân về nhạc tài tử Nam bộ.

Ban đầu, nhạc sĩ dự kiến viết sách trong 2 năm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, ông nhận ra rằng đó không chỉ là một đề tài lớn mà hành trình chinh phục đích đến cũng hết sức khó khăn. Không ít lần nhạc sĩ Kiều Tấn muốn bỏ cuộc vì lý luận của nhạc tài tử hầu như chưa có và còn nhiều tranh cãi. Ông phải mất đến 5 năm để hoàn thành công trình nghiên cứu kỳ công này.

Đối với ông, nhạc tài tử không chỉ là đam mê mà đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống. Nhạc sĩ Kiều Tấn chia sẻ: “Tôi biết chơi hầu hết các loại nhạc, từ ĐCTT đến tân nhạc, kể cả Rock. Càng tiếp cận, tôi càng nhận ra, ĐCTT như món ăn đầy đủ gia vị, đậm đà, hấp dẫn. Âm hưởng, ngôn ngữ, tình tự trong ĐCTT luôn thấm đẫm, chạm vào cảm xúc người nghe. Người chơi ĐCTT thường hòa mình vào âm nhạc nên càng thêm gắn bó và dễ đạt đến điểm thăng hoa, không trùng lặp với bất kỳ ai được”./.

Các công trình nghiên cứu quan trọng của nhạc sĩ Kiều Tấn:

- Phương pháp ký âm nhạc tài tử (năm 1981).

- Đàn guitar phím lõm (năm 1985).

- Điệu thức nhạc tài tử (năm 1992).

- Đàn guitar phím lõm tại Đức (năm 1995).

- Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương/ vọng cổ - guitar phím lõm (năm 2023).

Năm 1995, nhạc sĩ Kiều Tấn là người Việt Nam thứ ba, trẻ tuổi nhất được kết nạp hội viên Hội Quốc tế Âm nhạc truyền thống UNESCO (ICTM).

Ông là người Việt Nam đầu tiên tham luận tại hội nghị của ICTM năm 1997 về âm nhạc tài tử.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết