Tiếng Việt | English

23/02/2024 - 09:05

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải: Việc sáng tác như con thuyền cứ đi tìm bến đỗ

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Phạm Ngân)

Tiếng ai hát trong chiều lộng gió

Nghe lắng sâu hương vị phương Nam

Ai qua Long An, ai về Cần Đước

Có nhớ Chợ Đào lưu luyến gạo nàng thơm!

Những câu mở đầu trong ca khúc Hương tình miền hạ của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải - người con của xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thật ngọt ngào, dạt dào tình cảm. Ngoài ca khúc Hương tình miền hạ được nhiều người biết đến, nhạc sĩ Thanh Hải còn sáng tác mới khoảng 70 ca khúc, trong đó có khoảng 20 ca khúc viết về ngành Công an. Nhạc sĩ Thanh Hải ví việc sáng tác của mình như con thuyền cứ đi tìm bến đỗ.

Con thuyền nghệ thuật neo đậu bến quê

Nhạc sĩ Thanh Hải ảnh hưởng niềm đam mê loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ từ cha và hấp thu tinh hoa đó để nuôi dưỡng tâm hồn. Tuy nhiên, năng khiếu của anh lại nghiêng về lĩnh vực tân nhạc. Anh tham gia phong trào văn nghệ từ thời học tiểu học, THCS và THPT.

Với phong trào văn nghệ quần chúng của huyện, anh không chỉ nhiệt tình tham gia mà còn là hạt nhân của phong trào. Anh thường nghe băng, đĩa, đài, xem truyền hình không chỉ để thưởng thức mà còn tập tành học đánh đàn. Niềm đam mê ấy ngày càng lớn dần theo năm tháng, thôi thúc anh tạm rời quê lên thành phố học Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM.

Ba năm sau, năm 2000, anh về Long An làm cộng tác viên Trung tâm Văn hóa tỉnh với vai trò nhạc công guitar. Thời gian này, anh tích lũy nhiều kinh nghiệm về phong cách chơi guitar cũng như tìm hiểu khá sâu các ca sĩ trẻ cần ca khúc như thế nào, trào lưu âm nhạc ra sao để phù hợp với họ. Sau đó, anh được Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An nhận cũng với vai trò nhạc công guitar. Dù thời gian ở đoàn không lâu, chỉ 2 năm nhưng cũng đủ để anh tìm hiểu sâu hơn về phong cách biểu diễn hoặc sáng tác của một người chuyên nghiệp.

“Lúc đầu, tôi như con thuyền không bến, chưa neo đậu bến nào. Mãi đến cuối năm 2002, được Công an tỉnh nhận với vai trò trợ lý cho mảng văn hóa - văn nghệ, phụ trách Đội văn nghệ xung kích, mục đích là đi biểu diễn phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng” - nhạc sĩ Thanh Hải tâm sự. Và con thuyền nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải đã neo đậu bến này từ năm 2002. Đó là bước ngoặt lớn của cuộc đời. Cũng từ đây, duyên nợ với sáng tác âm nhạc được “đơm hoa, kết trái”.

Năm 2006, anh được cử đi dự trại sáng tác âm nhạc do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được sự động viên của các thầy, anh chị đi trước, đến cuối trại, anh đã cho ra đời tác phẩm đầu tay, đó là ca khúc Khúc hát tự hào.

Cũng trong thời gian dự trại, anh đọc được cuốn sách viết về liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng - cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Trong quá trình công tác, anh bị nhiễm HIV từ các đối tượng tội phạm ma túy, rồi lây cho vợ và vợ chồng đều chết. Sự hy sinh đầy xúc động này đã lay động hàng triệu trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước lúc bấy giờ. Và nhạc sĩ Thanh Hải đã cảm hứng để sáng tác ca khúc Xóm cũ đón anh về, đoạt giải nhì về ca khúc do Bộ Công an phát động và được chọn thu âm, phát hành trong lực lượng công an toàn quốc. Đây là động lực rất lớn để anh tiếp tục con đường sáng tác tiếp theo.

Hương tình miền hạ - ca khúc mở đầu dòng nhạc dân ca trữ tình

Những năm tiếp theo, nhạc sĩ Thanh Hải hăng say tham gia các phong trào văn nghệ, các trại sáng tác của tỉnh Long An, của ngành Công an và trở thành hội viên Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ở đây, anh được các nhạc sĩ đàn anh đi trước như Trịnh Hùng, Lê Phương, Bửu Thiết,… dìu dắt. Các ca khúc mà anh sáng tác lúc này chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và ngành Công an.

Năm 2006, anh được phân công về công tác tại Công an huyện Cần Đước. Chính mảnh đất quê nhà mà cách nhìn về sáng tác trong anh có thay đổi. Anh bắt đầu sáng tác dòng nhạc dân ca trữ tình và bài Hương tình miền hạ đã mở đầu cho dòng nhạc này của anh. Cũng từ dòng nhạc trữ tình này, anh đã sáng tác một số ca khúc ca ngợi quê hương mình như Đợi gió, Chờ mưa, Về,... Ngoài ra, anh còn tâm đắc một số tác phẩm như Hương Vàm Cỏ, Như cánh lục bình, Vì màu xanh yêu thương, Khi Tổ quốc cần.

Nói về kỷ niệm khó quên đối với tác phẩm Như cánh lục bình của mình, nhạc sĩ Thanh Hải cho biết: “Có lần về công tác vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, được người bạn kể câu chuyện tình có thật, rất cảm động của một người con gái. Chuyện kể rằng, ngày ấy, họ yêu nhau, hẹn ngày đôi bên dạm ngõ trầu cau nhưng rồi tai nạn ập đến. Người con gái ấy bị tàn tật do tai nạn giao thông, không còn khả năng làm mẹ. Vì vậy, chị chủ động cắt liên lạc với anh để anh quên mình mà cưới người con gái khác. Anh đã cố tìm nhưng chị vẫn biệt tin. Thời gian trôi qua mau, anh nghe nói chị đã quy y nơi cửa Phật. Tôi liên tưởng câu chuyện tình đẹp ấy như cánh hoa lục bình trôi nổi long đong không biết nơi nào là bến đỗ”. “Đời xoay như cánh lục bình, long đong miền dâu bể. Làm sao em biết bến nào đục bến nào trong…” và nhạc sĩ Thanh Hải đã thốt lên “Con đò chìm nổi lắt lay, lời ru con gái xa vời vợi xa. Hợp tan cay đắng phận người, ôi phút tương phùng mịt mùng mây khói, cơn mê hấp hối đoạn trường nào hay…”.

Năm 2012, anh được điều động từ Công an huyện Cần Đước về Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh, được giao nhiệm vụ đội trưởng phụ trách công tác văn hóa - văn nghệ. Hiện anh thành lập Câu lạc bộ Âm nhạc Long An, thu hút các bạn trẻ yêu thích ca hát, trong đó có giáo viên âm nhạc ở các trường. Anh cũng kết nối với các chi hội bạn như tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM,... thành lập Câu lạc bộ Giai Điệu Bạn Bè để giao lưu lẫn nhau.

Với mỗi tác phẩm, nhạc sĩ Thanh Hải đều xem là “đứa con tinh thần” nên anh không chỉ chắt chiu từng câu từ mà luôn đi tìm những ý tưởng mới, cảm xúc mới từ chính thực tiễn cuộc sống./.

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải tuy còn trẻ nhưng có hơn 20 năm cống hiến cho phong trào văn hóa - văn nghệ, trong đó có sáng tác ca khúc. Anh đoạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và khu vực, trong đó có nhiều giải thưởng của ngành Công an. Đặc biệt, anh được UBND tỉnh trao tặng Giải thưởng Nguyễn Thông năm 2018. Nhưng anh thầm nghĩ, giải thưởng lớn nhất của người sáng tác là được công chúng thương yêu, đón nhận.

Việt Sơn

Chia sẻ bài viết