Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng có thời gian gắn bó cùng mảnh đất Long An trong những năm kháng chiến
Dù không sinh ra, lớn lên tại Long An thế nhưng, mảnh đất này cũng là một trong những nơi bước chân ông lưu dấu trong những năm dài kháng chiến, để lại trong ông những kỷ niệm khó phai về một thời hoa lửa.
Quê gốc của NS Phạm Minh Tuấn tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông sống lưu lạc theo cha mẹ ở Campuchia rồi bắt đầu tham gia kháng chiến từ những năm 1960. Từng chiến đấu, vượt qua gian khổ, nếm trải mất mát, hy sinh, NS Phạm Minh Tuấn có cả một thời tuổi trẻ gắn liền với đạn bom, khói lửa. Tất cả những kỷ niệm, vùng đất ông qua đều là chất liệu, cảm xúc để ông gửi vào từng ca từ, giai điệu.
Với NS Phạm Minh Tuấn, người nghệ sĩ cần có sự nhạy cảm nhất định với các vấn đề trong cuộc sống, quan trọng là phải biết nhìn, hiểu và thể hiện qua lời ca, tiếng nhạc rồi truyền tải cảm xúc của mình đến công chúng. Một ca khúc không nhất thiết phải có địa danh, nhân vật, số liệu cụ thể mà chỉ cần lấy cái cốt lõi của vấn đề để khái quát thành cái chung. Chính những trải nghiệm thực tế được góp nhặt qua năm tháng mà vốn sống của người nghệ sĩ ngày càng đong đầy để từ đó, tổng hợp thành chất liệu sáng tác và các bài ca trở thành tiếng nói tâm hồn người nghệ sĩ.
Theo NS Phạm Minh Tuấn, ai cũng có những kỷ niệm trong đời, thế nhưng, cách lưu giữ kỷ niệm của mỗi người lại khác nhau. Thay vì viết nhật ký, tự truyện, hồi ký thì ông gửi gắm trong câu từ, giai điệu của từng ca khúc. Long An cũng là một trong những địa phương mà ông có nhiều thời gian gắn bó trong những năm kháng chiến.
Chính những tình cảm của đồng bào Long An cưu mang ông trong thời gian kháng chiến, những lần băng đồng, vượt sông, những kỷ niệm vui, buồn bên anh em, đồng đội giúp ông “ghi” lại qua những nốt nhạc và cho ra đời những nhạc phẩm về mảnh đất thắm đượm nghĩa tình. Với Long An một khúc ca tình, lời ca được ông sử dụng vô cùng điêu luyện, mượt mà.
Chỉ gói gọn dăm câu, vài chữ nhưng những địa danh, món ăn đặc trưng cùng tình đất, tình người Long An được thể hiện gần như bao quát hết: “Ai về Bến Thủ đồng bưng/Tôi về Đức Huệ ghé sang Đức Hòa/Thăm từng cây mía đồng xa/Thơm từng hạt gạo đậm đà quê hương/Anh đi qua mấy chiến trường/Hậu phương em vẫn chín thương mười chờ...”.
Ca khúc cách mạng nhưng không hùng hồn, vang dội mà lại ngọt ngào như những điệu dân ca, rất gần gũi, chân phương. Lồng ghép trong bài ca tình yêu đôi lứa nhưng cao đẹp hơn cả vẫn là tình yêu với quê hương, đất nước, phải hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, dân tộc mình: “Xanh xanh màu áo xung phong/ Bắc Đông - Ấp Bắc em xây tuyến đường”.
NS Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Thời chiến tranh, tôi đi gần hết chiến trường Nam bộ, nhất là các tỉnh liền kề với TP.HCM: Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương,... Long An là địa điểm mà tôi đến nhiều lần và cũng nhiều lần bị “chết hụt” tại mảnh đất này. Đơn vị tôi thường đóng quân tại xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và Lộc Giang (huyện Đức Hòa).
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (bên trái) cùng Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Hòa – Lê Văn Lực trong lần về sáng tác tại Đức Hòa (Long An)
Một lần, chúng tôi bị trực thăng “chụp” ở Lộc Giang. Vừa đến nơi, khoảng 30 phút sau thì giặc đổ quân xuống càn, nhờ các anh du kích có hầm bí mật tổ chức đưa xuống trú ẩn mới thoát chết. Khi giặc rút quân, tôi và đồng đội trở lên thì thấy dấu giày của giặc giẫm đầy xung quanh nóc hầm. Lần thứ 2 “chết hụt” là từ trên R (Trung ương Cục miền Nam) về đây, phải đi xuồng qua kênh Thái Mỹ (thuộc địa phận Củ Chi) về Lộc Giang. Nơi này, mùa khô thì lội ruộng, mùa nước thì chèo xuồng, những lúc hành quân đêm bị trực thăng soi vô cùng nguy hiểm.
Khi ấy, chúng tôi phải nằm chịu trận ở những vạt tràm thấp, địch bắn trúng ai thì người nấy chịu, tôi cũng thoát chết trong những đêm như vậy. Bản thân tôi tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh. Mình thì phải ém quân, địch bắn có lúc có mục tiêu nhưng cũng có lúc bắn vu vơ, nhiều chiến sĩ bị thương vong vì lạc đạn. Và có lần qua sông Vàm Cỏ Đông trong một buổi chiều, khi gần đến bờ, sóng đánh chòng chành, lật xuồng làm chiến sĩ hy sinh, có người may mắn được đồng bào cứu giúp. Đó là những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.
Đời người chiến sĩ phải chấp nhận rủi ro, nếu không dám hy sinh thì không thể làm cách mạng. Tại mảnh đất ân tình này, tôi vẫn nhớ những bữa cơm du kích, có lúc cực khổ vô cùng, chỉ ăn “cầm hơi” cho có sức chiến đấu, cũng có lúc vô cùng thịnh soạn nhờ đồng bào hỗ trợ. Tôi nhớ mãi hương vị đồng quê mỗi khi được ăn bánh tráng cuốn cá trắng, tép rong với rau rừng chấm mắm, toàn món ngon dân dã, ăn nhanh, nuốt vội rồi tiếp tục hành quân, vậy mà thắm tình dân - quân, cá - nước”.
Ca sĩ Thanh Tuyết, công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An chia sẻ: “Từng trình diễn nhiều ca khúc nổi tiếng của NS Phạm Minh Tuấn nhưng tôi và đồng nghiệp chỉ cảm nhận qua lời của ca khúc chứ chưa tưởng tượng hết được những mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước. Trong một lần tình cờ được gặp gỡ, trò chuyện, nghe NS Phạm Minh Tuấn kể về những lần suýt hy sinh khi “vượt kênh Thái Mỹ hành quân đến Lộc Giang, trời giăng giăng pháo sáng mặt đất trực thăng soi” đúng như lời ca khúc Hát về Đức Hòa, chúng tôi cảm nhận được sự khẩn trương, nguy cấp, bất chấp gian nguy của những chiến sĩ hành quân trong đêm, khi hát “có hồn”, sâu lắng hơn!”.
Bao nhiêu năm dài trở lại những vùng kháng chiến cũ, trong đó có Long An, cảnh cũ, người cũ không còn, tiếng bom đạn, cảnh giặc giã hoang tàn được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang cùng cuộc sống yên bình, êm ả. Những bà mẹ, người chị từng cưu mang ông cũng như các đồng đội cùng tham gia chiến đấu, có người còn, người mất. Bước chân trên mảnh đất ngày xưa, nơi mình từng trải qua một thời bom đạn, cảm xúc của ông lại dâng trào, đây chính là chất liệu, nguồn cảm hứng bất tận để ông tiếp tục sáng tác những ca khúc ghi dấu một thời đấu tranh gian khó, sát cánh cùng đồng đội gìn giữ quê hương./.
Phạm Ngân