Tiếng Việt | English

14/04/2016 - 11:12

Nhân dân kỳ vọng vào chính phủ mới

Chiều ngày 12/4/2016, Chính phủ họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều mục tiêu ưu tiên mà Thủ tướng và Chính phủ chỉ ra phải tập trung chỉ đạo điều hành.

Là một cử tri, tôi cảm nhận và kỳ vọng sâu sắc những mục tiêu vĩ mô mà Thủ tướng và Chính phủ cần phải hành động quyết liệt, kiên quyết thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp các thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước hết, là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vấn đề mà từ lâu nhân dân ta vô cùng bức xúc vì hòa bình, ổn định của đất nước bị đe dọa thường xuyên, nhất là sự đe dọa toàn vẹn chủ quyền, quyền tài phán của biển đảo.

Thứ hai, là quyết liệt phòng chống tham nhũng và lãng phí. Nếu sự đe dọa thường xuyên về độc lập, chủ quyền đất nước xuất phát từ giặc “ngoại xâm” thì chính vấn nạn tham nhũng, lãng phí của công là một thứ giặc “nội xâm” nguy hiểm không kém; nó từng bước gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm suy thoái sự phát triển đất nước về mọi mặt.

Tham nhũng không còn diễn ra ở một qui mô nhỏ; tham nhũng có hệ thống, có sự tiếp tay, câu kết nhiều cá nhân có chức có quyền, đảng viên biến chất; tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng.

Do vậy, Thủ tướng và Chính phủ phải kiên quyết và kiên trì chống tham nhũng và phải chống tham nhũng như thế nào để có hiệu quả nhất? Nói chuyện về công tác phòng chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng ngày 5/5/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng chính các cơ quan chống tham nhũng, phải nhất thiết xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm”.

Thứ ba, vấn nạn thực phẩm bẩn là nỗi lo đau đáu của nhân dân từ lâu và là sự kiện nóng lên từ những ngày gần đây. Người dân rất mong có sự phối kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và kiên quyết giữa các ngành, các cấp, nhất là ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ngành Công an và Y tế,...

Và thứ tư là, tập trung ổn định cuộc sống người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn…. Là nông dân gắn đời mình trên miếng vườn thửa ruộng gần nửa thế kỷ, tôi mong rằng chính phủ mới quan tâm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp mà hiện nay có không dưới 67% dân số cả nước là nông dân.

Vấn đề ưu tiên nhất hiện nay là làm sao ứng phó có hiệu quả ảnh hưởng biến đổi khí hậu mà trọng tâm là hạn, mặn đã và đang gia tăng diện tích ảnh hưởng, làm thiệt hại không ít đến năng suất và sản lượng lúa gạo trong tương lai.

Biện pháp chuyển đổi một phần diện tích 400.000 ha trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội về: “Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020” là khả thi, nhưng đối với vùng ven biển miền Trung và ĐBSCL bị mặn xâm nhập mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản thay thế cây lúa là rất nguy hiểm vì trong nhất thời nông dân sẽ đẩy phong trào lên cao, vô tình đưa mặn xâm nhập sâu vào đất liền; diện tích đất trồng lúa truyền thống bị thu hẹp theo hướng mất kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy về an sinh xã hội một bộ phận nông dân là không lường trước được.

Do vậy, chính phủ cần nhanh chóng giải quyết nhiều vấn đề như tích tụ ruộng đất, phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu mô hình cánh đồng lớn, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ và đồng bộ trong chuỗi liên kết nông dân, nhà nước và doanh nghiệp, hiện nay còn rất lỏng lẻo; nhà nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong việc vạch chiến lược, hỗ trợ quảng bá thương hiệu; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp như chọn lợi thế từng vùng, chọn giống, chọn mô hình, thay đổi tư duy sản xuất nông dân, chọn cách đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dòng chảy vốn lớn vào nông nghiệp./.

Nguyễn Minh Út

Chia sẻ bài viết