Tiếng Việt | English

13/11/2023 - 08:58

Nhận diện luận điệu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc

Sau 37 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam; cố tình xuyên tạc cho rằng Việt Nam “không có dân chủ, không có nhân quyền”.

Từ khi thông tin Việt Nam là quốc gia duy nhất của ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, “bóp méo” việc thực thi nhân quyền, quyền con người, quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam và phủ nhận những đóng góp của Việt Nam về việc bảo đảm quyền con người đối với cộng đồng quốc tế. Chúng đưa ra các “thư ngỏ”, “kiến nghị” không bầu Việt Nam vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của chúng, làm cho các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam.

Chúng ra sức chống phá dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, phủ nhận các giá trị lịch sử dân tộc, thành quả cách mạng; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; kích động, ly gián, tạo mâu thuẫn trong đất nước, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Chúng rêu rao rằng, Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, ngăn cản hoạt động tôn giáo; vu cáo nước ta không có tự do tín ngưỡng, không cho tự do hành đạo và đàn áp tôn giáo, chia rẽ các tôn giáo, đồng bào lương giáo để chống lại chính sách đoàn kết, ổn định phát triển kinh tế.

Các thế lực thù địch còn xuyên tạc rằng Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Chúng chỉ trích chính quyền “trì hoãn” việc ban hành Luật Biểu tình, tiếp tục dung túng bạo lực, đàn áp, bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền có ý kiến “phản biện” Đảng, Nhà nước. Một số cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Đảng, Nhà nước ta bị bắt, giam giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật lại bị chúng vu khống rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền,...

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền cả nước từng bước tăng cường lãnh, chỉ đạo, quản lý, định hướng các hoạt động đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái về nhân quyền, nhất là trên Internet, mạng xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về những thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có bảo đảm quyền con người;... Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về nhân quyền ở nước ta chưa sâu, rộng, chưa thường xuyên và liên tục.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam trong tình hình mới, trước hết, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền con người. Thường xuyên nắm chắc tình hình, dư luận xã hội; cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân, định hướng thông tin kịp thời và có giải pháp đấu tranh, phản bác phù hợp.

Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, xuất bản trong việc thông tin, tuyên truyền về thành tựu nhân quyền của nước ta và đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nhân quyền. Đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người. Trong đó, nội dung phải bảo đảm giữ vững quan điểm của Đảng; phương pháp linh hoạt, mềm dẻo, nhân văn, dân chủ, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Tăng cường phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, công ty quảng cáo, truyền thông nhằm khai thác hiệu quả các phần mềm kiểm soát, phân loại thông tin trên không gian mạng; phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền;...

Đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân quốc tế và nước ngoài có hoạt động chống phá Việt Nam trên cơ sở các văn kiện hợp tác với các nước, các tổ chức này; đồng thời, phải coi trọng hợp tác, đối thoại nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia và tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân, kể cả đồng bào ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý; xử lý nghiêm và đúng quy định của pháp luật các hành vi cố tình đưa thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam; các hành vi bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết thực tiễn về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực quyền con người./.

Nguyễn Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết