Ông Lê Hữu Thành tham gia Đề án 922, sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ sinh học tại Úc trở về nhưng các đơn vị thuộc Sở Y tế Đà Nẵng không có nhu cầu tiếp nhận. Phải một thời gian sau ông Thành mới được bố trí vào Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Cường
Với mục tiêu tạo nguồn cán bộ quản lý chất lượng cao, nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đưa học viên đi đào tạo ĐH, sau ĐH trong và ngoài nước (Đề án 922). Thế nhưng bên cạnh mặt tích cực, nhiều học viên học xong rơi vào cảnh chờ việc hoặc phải bỏ ra ngoài làm...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tình trạng học viên của đề án trên tốt nghiệp ở nước ngoài trở về phải trầy trật mới có được việc làm không phải là hiếm.
Cầu cứu lên ông chủ tịch
Chị Trần Thị Ngọc Linh (thường trú tại TP Đà Nẵng), học viên Đề án 922, tốt nghiệp ngành kỹ sư công nghệ sinh học tại Pháp và sau đó học tiếp thạc sĩ ngành công nghệ và khoa học y tế tại nước này.
Tháng 10-2014, chị Linh về nước, sau đó hoàn thành những yêu cầu hành chính và nhận được quyết định phân công về Sở Y tế giữa tháng 1-2015. Thế nhưng, chờ mãi đến tháng 6-2015 chị Linh vẫn chưa được cơ quan này phân công đi làm công việc gì, cơ quan nào...
Sốt ruột, chị Linh gửi email cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, phản ảnh: “Tôi đã đợi gần sáu tháng không có công việc, không được hỗ trợ và không biết sẽ phải đợi bao lâu nữa. Liên hệ thì luôn nhận được câu trả lời là chờ đợi, lãnh đạo sở chưa quyết định được...”.
Ngay sau đó, chủ tịch UBND TP đã gửi email tới Sở Y tế yêu cầu giải quyết thắc mắc của chị Linh. Kết quả chị Linh được bố trí về Bệnh viện Đà Nẵng.
Ông Phạm Hùng Chiến, nguyên giám đốc Sở Y tế, giải thích thời điểm đó sở phân công chị Linh về Trung tâm Y tế dự phòng TP.
Tuy nhiên, phía Trung tâm Y tế dự phòng không đồng ý nhận vì quản lý thiết bị tại đây không có gì, chuyên ngành sinh học thì phải học thêm.
Kể về câu chuyện của mình, chị Linh chia sẻ: “Học về đang rất hào hứng, muốn cống hiến cho TP nhưng lại rơi vào cảnh thất nghiệp nhiều tháng trời nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin, sự tự trọng của mình”.
Câu chuyện đưa học viên đi đào tạo nước ngoài nhưng khi về rơi vào cảnh đùn đẩy, trầy trật tìm việc không phải là hiếm tại Đà Nẵng. Nhiều học viên khác sau khi hoàn thành chương trình Đề án 922 về Đà Nẵng cũng “kêu cứu” vì không có chỗ tiếp nhận.
Vào đầu tháng 4-2015, UBND TP Đà Nẵng có quyết định phân công hai học viên về Sở Y tế là bà Trần Linh Chi, tốt nghiệp cử nhân dược tại Úc và ông Lê Hữu Thành, tốt nghiệp cử nhân công nghệ sinh học tại Úc (học viên này cũng viết thư phản ảnh đến chủ tịch UBND TP Đà Nẵng).
Thế nhưng, theo Sở Y tế, tất cả đơn vị thuộc sở không nơi nào có nhu cầu tiếp nhận hai trường hợp này.
Lý do các đơn vị đưa ra là chuyên ngành đào tạo không phù hợp, không sắp xếp được vị trí việc làm tại đơn vị. Mãi đến sau này họ mới được phân công về Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản nhi.
Chị Trần Thị Ngọc Linh học viên Đề án 922 sau khi đi học ở nước ngoài về thì thất nghiệp…6 tháng, sau đó mới được bố trí về BV Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Đến khởi kiện... nhân tài
Trong khi một số trường hợp học về trầy trật chờ bố trí phân công nơi làm việc thì lại xuất hiện tình trạng cơ quan quản lý nhà nước khởi kiện học viên vì không làm việc như cam kết trước khi cử đi học.
Vào cuối tháng 6-2015, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng đã khởi kiện bà Hà Thanh An là học viên tham gia Đề án 922 ra TAND TP Đà Nẵng để thu hồi kinh phí đào tạo.
Bà An học ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, khóa 2004-2008, sau đó học thạc sĩ tại ĐH Bristol (Anh, khóa 2010-2011). Theo hợp đồng, sau khi tốt nghiệp bà An phải làm việc cho Đà Nẵng ít nhất 14 năm, chấp hành sự phân công công tác của TP.
Thế nhưng sau khi làm việc ba năm tại Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng, bà An đã nghỉ việc, đi nước ngoài mà không thực hiện cam kết.
Tại phiên xử mới đây, TAND TP tuyên buộc bà An bồi thường gấp hai lần kinh phí đã nhận từ ngân sách TP ở bậc ĐH số tiền 76,8 triệu đồng và hai lần kinh phí đào tạo bậc thạc sĩ ở nước ngoài hơn 1,38 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng đào tạo đã ký kết.
Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, trường hợp học viên vi phạm xuất hiện từ năm 2012, đơn vị nhiều lần có văn bản động viên học viên và gia đình thực hiện việc bồi hoàn kinh phí nhưng không thành công.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi Nhà nước, vừa qua trung tâm đã gửi 16 bộ hồ sơ lên TAND các cấp để khởi kiện những trường hợp học viên vi phạm hợp đồng (dưới nhiều hình thức như không về trình diện và nhận công tác, kết quả học tập không đạt yêu cầu của đề án, bị lưu ban trong quá trình học tập...).
Đến nay, TAND TP đã thụ lý 15 vụ và mở phiên tòa xét xử một vụ án như trên.
Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, qua 10 năm triển khai Đề án 922 (từ năm 2004) có 620 người được cấp học bổng đào tạo.
Hiện đã có 359 lượt học viên tốt nghiệp, 310 người về nhận công tác tại các đơn vị, có 45 trường hợp không về, vi phạm hợp đồng..., số còn lại hiện đang làm các thủ tục với các cơ quan chức năng TP để nhận công tác.
Cung cầu không khớp
Theo nhận định chung, sau thời gian triển khai Đề án 922 cũng bộc lộ các tồn tại như quy hoạch ngành nghề học viên đào tạo không bắt kịp với nhu cầu nhân lực của TP Đà Nẵng.
Học viên theo học ngành nghề y tế chiếm tỉ lệ cao nhất (217 người, chiếm 23,6%) nhưng lại là những nghề không phục vụ trực tiếp công việc khám chữa bệnh như y bác sĩ; đào tạo lĩnh vực giáo dục thì hiện nguồn cung đã vượt quá xa nhu cầu các cơ sở đào tạo của TP; nhóm ngành xã hội, kinh tế, luật - hành chính - quản lý cũng đào tạo vượt hơn nhu cầu xã hội.
Báo cáo của trung tâm cũng thừa nhận việc xây dựng chỉ tiêu ngành nghề cử đi đào tạo, số lượng chỉ tiêu, vị trí công tác còn nhiều hạn chế, chưa thật bám sát nhu cầu nhân lực trước mắt cũng như quy hoạch nhân lực dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Chẳng hạn đầu vào của đề án này là các học sinh lớp 12 khá, giỏi, trường chuyên được TP Đà Nẵng chọn và đề đạt ý kiến đi học mà không căn cứ vào nhu cầu ngành nghề, nhân lực của các đơn vị đảm bảo đầu ra. Vì thế có sự chênh nhau giữa nguồn đào tạo và nhu cầu từ các đơn vị.
Nguồn: Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng - Đồ họa: Tấn Đạt
* Ông HUỲNH ĐỨC THƠ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng): Săn người tài thay vì bỏ tiền ra đào tạo Toàn bộ danh sách đi học đều thông qua thường trực Thành ủy. Đề án 922 cơ bản là được. TP bỏ ra số tiền không nhỏ, cái được là có lớp cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, bài bản, đặc biệt là ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, được đào tạo ở những nước tiên tiến. Những học viên ra trường lâu nhất khoảng 7-8 năm đã bắt đầu phát huy hiệu quả trong công tác. Hạn chế của Đề án 922 là biên chế của các cấp, ngành là có hạn, nên các em ra trường cũng tuyển về đó chứ chưa biên chế được ngay, biên chế mới lại bị giới hạn. Tổng chỉ tiêu biên chế do trung ương thông qua chứ mình không thể tự quyết định, tự mở được. Chẳng hạn như một sở có khoảng 60-70 biên chế quy định từng đó là hết, còn anh mới ra trường chỉ là hợp đồng, hưởng lương theo ngân sách cấp riêng. Khi nào có chỉ tiêu biên chế hoặc có người về hưu thì bổ sung vào. Sắp tới phải thay đổi cơ cấu, thay vì bỏ tiền đưa đi đào tạo thì cần có chính sách thu hút nhân tài, mở cửa những người giỏi, xuất sắc, những người đi học mà ngành nghề TP cần. Mình tập trung vào những ngành nghề mình cần, mình tìm người giỏi để có chính sách thu hút nhiều khi tốt hơn, hiệu quả hơn là bỏ tiền ra đào tạo. Vì bỏ tiền ra để đào tạo nhiều khi đào tạo thế nào thì mình phải dùng thế đó. Còn khi thu hút thì tôi có quyền lựa chọn, anh mang tới ba hồ sơ tôi có quyền lựa chọn một trong ba, còn ba người đưa đi học về tôi phải lấy hết cả ba. |
Nguồn: Việt Hùng-Đoàn Cường/Tuổi trẻ