Tiếng Việt | English

17/05/2022 - 21:22

Nhiều địa phương đề nghị tăng nguồn lực cho phát triển văn hóa  

Chiều 17/5, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến Góp ý dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị

Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại; mọi hoạt động văn hóa hướng vào việc xây dựng con người Long An phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xem đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa;…

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự thảo nghị quyết đặt ra mục tiêu trên 50% nhà Văn hóa – Khu thể thao ấp, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; trên 88,2% xã đạt tiêu chí văn hóa, nông thôn mới, 60% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 50% thành phố, thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh; xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025,… Theo định hướng đến năm 2030, Nghị quyết đưa ra mục tiêu: 0,1% người đọc đến thư viện; mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm,…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc thông qua Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Tại hội nghị, các địa phương có nhiều ý kiến đóng góp về các mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, chủ yếu về: Mức đầu tư cho văn hóa, tỷ lệ người đọc đến thư viện, tỷ lệ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng, tỷ lệ nhà Văn hóa, khu thể thao ấp, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; xây dựng sân vận động các huyện, thị xã…

Các địa phương đề xuất tăng nguồn lực cho phát triển văn hóa. Huyện Mộc Hóa  phân tích cụ thể những khó khăn trong việc kinh tế hóa một số lĩnh vực văn hóa. Việc xã hội hóa lĩnh vực văn hóa tại một số địa phương đang gặp khó khăn và không bền vững. Huyện Mộc Hóa đề xuất cần có sự phân vùng trong việc phát triển văn hóa, cần có sự hỗ trợ cho những huyện có nguồn ngân sách hạn hẹp.

Ngoài đóng góp dự thảo, các sở, ngành còn cung cấp thêm thông tin để làm cơ sở đối chiếu với các chỉ tiêu Dự thảo Nghị quyết đề ra

Một số địa phương cho rằng, tỷ lệ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỷ lệ nhà Văn hóa, khu thể thao ấp, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa trong giai đoạn 2021 – 2025 là khá cao và khó thực hiện so với thực tế. Việc đào tạo con người trong ngành văn hóa cũng được nhiều địa phương cũng như Sở Nội vụ quan tâm. Con người làm công tác văn hóa có sự đặc biệt và đặc thù riêng (cải lương, xiếc,…) đòi hỏi việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa phải có tính toán cho phù hợp. Chỉ tiêu về người đọc đến thư viện trong giai đoạn phát triển công nghệ số, thực hiện số hóa thư viện được cho là không phù hợp, cần xem xét đến yếu tố bạn đọc sử dụng thư viện điện tử thay cho việc đến thư viện truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông tiếp thu những ý trong cuộc làm việc và yêu cầu các đơn vị gửi ý kiến văn bản về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tổng hợp./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết