Tiếng Việt | English

10/05/2023 - 09:41

Nhiều nông sản trúng mùa, được giá

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2022-2023, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh Long An như chanh, thanh long, lúa,... trúng mùa, được giá, nông dân phấn khởi, góp phần giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Lúa Đông Xuân 2022-2023 trúng mùa, được giá

1. Vụ lúa ĐX 2022-2023, toàn tỉnh gieo sạ trên 224.000ha, đạt 104% kế hoạch. Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu, bệnh; đồng thời, nông dân tuân thủ đúng khung lịch gieo sạ và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác nên năng suất khô ước đạt 6,7 tấn/ha, sản lượng trên 1,5 triệu tấn, lợi nhuận trên 19 triệu đồng/ha (cao hơn 5,5 triệu đồng/ha so với vụ ĐX 2021-2022).

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Vụ lúa ĐX 2022-2023, toàn huyện gieo sạ trên 29.400ha, đạt 101% kế hoạch. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể, vụ ĐX 2022-2023, nông dân sử dụng giống xác nhận 97% với các nhóm lúa chất lượng cao; 100% sử dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch,… Qua đó, năng suất khô ước đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha, nông dân rất phấn khởi”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình tiêu thụ lúa ĐX 2022-2023 tương đối thuận lợi, giá bán cao hơn so cùng kỳ. Giá bán các nhóm lúa chất lượng, thơm nhẹ, nếp tăng từ 500-2.400 đồng/kg, riêng với nhóm lúa giống thơm ST24, ST25 tương đương cùng kỳ. Cụ thể, giá lúa IR 50404 từ 6.000-6.300 đồng/kg (tăng 900-1.000 đồng/kg); OM 5451 từ 6.000-6.500 đồng/kg (tăng 500-800 đồng/kg); nếp IR 4625 từ 7.000-8.000 đồng/kg (tăng 1.900-2.400 đồng kg),...

2. Hiện toàn tỉnh có trên 11.720ha chanh, trong đó, diện tích cho trái trên 10.000ha, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Cụ thể, huyện Bến Lức có trên 6.700ha chanh, trong đó, có 5.700ha cho trái, sản lượng trên 97.700 tấn/năm.

Tình hình tiêu thụ chanh tại huyện Bến Lức từ đầu năm 2023 đến nay rất thuận lợi, giá chanh bình quân 19.000 đồng/kg, giá chanh không hạt có lúc lên đến 24.000-25.000 đồng/kg. Ông Hồ Văn Đa (xã Tân Hòa, huyện Bến Lức) cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít sâu, bệnh nên chi phí sản xuất thấp, đặc biệt chanh bán có giá, nông dân rất phấn khởi, bình quân lợi nhuận trên 160 triệu đồng/ha”.

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc thực hiện Zero Covid nên các loại nông sản Việt Nam khó xuất khẩu, trong đó, có trái thanh long. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay khi Trung Quốc mở cửa, giá thanh long trung bình 12.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 52 triệu đồng/ha.

Mít là một trong những loại cây trồng có giá rất ổn định từ đầu năm đến nay. Hiện toàn tỉnh có gần 2.700ha mít, trong đó, diện tích cho trái trên 1.700ha, sản lượng trên 32.500 tấn. Tổng chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng/ha. Sau thời gian rớt giá, từ cuối năm 2022 đến nay, giá mít bắt đầu tăng và duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, mít loại nhất giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, mít loại nhì từ 18.000-28.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Hiến (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) gắn bó với cây mít trên 5 năm. Ngay thời điểm giá mít xuống thấp, thậm chí không ai mua, anh vẫn bám trụ với cây trồng này. Anh Hiến chia sẻ: “Giá mít ở mức 7.000-8.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi. Những năm trước, giá mít luôn lên xuống thất thường, từ cuối năm 2022 đến nay, giá duy trì ở mức ổn định, nông dân ai cũng mừng”.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ ĐX 2022-2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm phấn khởi và chúc mừng ngành Nông nghiệp khi vụ ĐX 2022-2023, nhiều nông sản chủ lực trúng mùa, được giá, nhất là vụ lúa ĐX 2022-2023, góp phần cho ngành tăng trưởng tốt. Qua đó, ông đề nghị ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông, trong đó, đặc biệt dự báo thông tin thị trường, nhu cầu sản phẩm, dịch bệnh trên cây trồng, sau đó phải có sơ kết, báo cáo để rút kinh nghiệm; đẩy mạnh thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; tập trung xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,.../.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết