Tiếng Việt | English

05/11/2015 - 08:56

Nhớ chè con ong ngày se lạnh

Mỗi khi trời se se lạnh, người dân Phú Thọ lại trổ tài bếp núc nấu món chè con ong, món ăn dân dã mà đậm đà dư vị miền trung du.


Chè con ong là đặc sản của vùng quê Hạ Hòa - Ảnh: N.T.Lượng

Khi lúa gặt về, phơi khô và chất đầy cót đầy bồ, người ta chọn gạo nếp hoa vàng ngon nhất, đặc sản chỉ có ở vùng này, để nấu chè con ong. Gạo nếp mới xát trắng ngần, hạt tròn mẩy, mười hạt như mười, gạo mới của vụ gặt nên thơm nồng.

Mùa nào thức ấy, các bà mẹ quê miền trung du từ khi còn là con gái đến khi về già, vẫn chắt chiu giống lúa nếp cao cây vừa thơm vừa dẻo để sau vụ mùa xay giã giần sàng nấu món chè con ong. Theo tục lệ nơi đây, mỗi khi có đứa trẻ mới ra đời, các cụ bà lại nấu chè con ong để cúng mụ. Vào những dịp mồng một, ngày rằm, trên mâm lễ cũng không thể thiếu món chè thơm ngon dân dã này.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, muốn nấu chè con ong trước hết phải nấu thành xôi chè mới ngon và dẻo. Vì thế những khi tiết trời bắt đầu se lạnh, các bà, các mẹ lại dậy từ sáng sớm ngâm gạo nếp cho mềm để đồ xôi.

Bếp lửa chẳng mấy chốc lại nghi ngút khói và nồi xôi nếp trên bếp tỏa mùi thơm của lúa mới. Xôi chín, dùng đũa cả xơi ra rổ cho ráo và nguội rồi mới bắt tay vào nấu chè.

Với người dân Phú Thọ, để có nồi chè ngon và đượm màu thì phải nấu bằng mật mía chứ nấu đường kính thì hạt xôi vẫn trắng và không đẹp. Vì thế cứ mỗi độ thu về, vào mỗi buổi chợ phiên người dân nơi đây không quên mua vài phên bánh mật về gói kỹ để dành.

Công thức nấu chè con ong khá cầu kỳ. Bánh mật hình chữ nhật, vừa bằng viên, khi nấu lấy dao cạo cho bánh mật nhỏ vụn ra. Đầu tiên cho mật vào nồi để thắng mật cho tan và nóng đều, sau đó mới cho xôi vào trộn lẫn.

Đây là công đoạn quan trọng và khó khăn nhất để nấu thành chè. Mật nấu lên cũng phải vừa tan, vừa sánh, vừa thơm rồi mới cho xôi vào. Khi xôi được trộn lẫn mật thì cầm đũa cả đều đặn đảo nồi chè sao cho cả xôi, cả mật được hòa quyện vào nhau.

Mật quyện đều hạt xôi thì mới dẻo, mềm và bóng loáng. Cứ thế, phải gần 15 phút liên tục khuấy đều, không lúc nào ngừng cho đến khi nồi chè đậm một màu nâu óng thì chè vừa chín.


Những bát chè con ong bóng mượt màu mật ong - Ảnh: N.T.Lượng

Muốn cho chè thơm ngon, người nấu không quên đào củ gừng già giã nhỏ cho lẫn vào nồi chè rồi khuấy đều. Vị nếp thơm rất hợp với vị cay cay của gừng, làm món ăn thêm nồng ấm mỗi độ thu về.

Khi chè đã chín bắc nồi xuống, dùng muôi múc ra từng bát nhỏ hay đĩa nhỏ. Hương thơm của nếp mới, giống nếp quê nhà càng thêm đậm đà khi hòa quyện với vị cay của gừng. Hạt xôi của đĩa chè bóng mẩy chứ không nhão hay bị nát.

Càng khuấy, hạt chè càng bóng và mật càng ngấm sâu vào vị gạo, mới nhìn đã thấy hấp dẫn.

Ở vùng quê trung du Phú Thọ, người ta gọi món này là chè con ong không phải là để phân biệt với chè đỗ đen, chè đậu xanh mà bởi hình thức, màu sắc lẫn vị ngọt của chè.

Những hạt gạo nếp khi nấu xong bóng mẩy, thon thon như thân con ong, màu của chè lại nâu sẫm như màu của ong nên người dân nơi đây từ bao đời nay vẫn gọi món chè này với cái tên bình dị, chân chất quê mùa - chè con ong./.

Nguyễn Thế/tuoitre.vn

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích