Tiếng Việt | English

08/05/2021 - 17:15

Những điều cần biết về vắc-xin AstraZeneca và cách xử trí các phản ứng sau tiêm

Vắc-xin cũng như thuốc, thức ăn, khi sử dụng cũng sẽ có phản ứng không mong muốn bao gồm phản ứng thông thường và phản ứng phản vệ sau tiêm chủng. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh – BS CKII Huỳnh Hữu Dũng để thông tin cụ thể hơn về vắc-xin AstraZeneca và cách xử trí với các phản ứng sau tiêm đến người dân.

Theo quy trình, trước khi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn, khám sàng lọc cẩn thận; những người cơ địa từng có phản ứng khi tiêm các loại vắc-xin trước đó cần khai báo rõ để bác sĩ đánh giá tình trạng

PV: Astrazeneca có lợi ích như thế nào trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Việc tiêm vắc-xin có vai trò rất quan trọng vì mang lại hiệu quả rất cao trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trên thế giới cũng như Việt Nam, đã có rất nhiều loại bệnh mà các vắc-xin được tiêm đại trà cho người dân để loại trừ bệnh như bại liệt, đậu mùa. AstraZeneca là vắc-xin được một tập đoàn của Anh phối hợp Hàn Quốc sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu. Hiện tại, có trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ của 6 châu lục với khoảng 17 triệu người dân Châu Âu đã tiêm.

PV: Thưa ông, phản ứng sau khi tiêm là gì và có những triệu chứng nào?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, có trên 60 ngàn người dân đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Từ ngày 04/5 đến cuối ngày 07/5, Long An có gần 6.500 người được tiêm vắc-xin AstraZeneca, trong đó tỷ lệ phản ứng rất ít và thoáng qua như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ sau 24 giờ thì hết.

Bất kỳ loại vắc-xin, thức ăn hay thuốc nào đưa vào cơ thể cũng là chất lạ, tùy cơ địa mỗi người thì có một phản ứng khác nhau. Với những người có cơ địa phản ứng có thể xảy ra tình trạng đau, đỏ tại chỗ, ngứa, sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn,... Tuy nhiên, có một tỷ lệ rất nhỏ 1/1.000.000 là có phản ứng phản vệ sau tiêm, tùy trường hợp, nếu cơ địa phản ứng quá mạnh thì rất nguy hiểm. Do đó, tại điểm tiêm có sẵn sàng đội cấp cứu, vật tư, thuốc để kịp thời xử trí. Tại Long An, qua 4 ngày triển khai, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng.

Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì bất kỳ loại vắc-xin, thuốc hay thức ăn nào cũng có thể khiến cơ thể phản ứng

PV: Thưa ông, vậy tỷ lệ tử vong sau khi tiêm vắc-xin là bao nhiêu? Ông có những khuyến cáo gì đối với người dân trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, đặc biệt khi Việt Nam vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau tiêm?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Các loại vắc-xin nói chung, không riêng gì AstraZeneca thì các nhà sản xuất khuyến cáo tỷ lệ tử vong là 1/1.000.000 – 1/2.000.000 tùy cơ địa và tùy mỗi quốc gia, địa phương. Với tất cả các loại vắc-xin, bao gồm cả vắc-xin AstraZeneca, theo quy trình, trước khi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn, khám sàng lọc cẩn thận. Do đó, những người cơ địa từng có phản ứng khi tiêm các loại vắc-xin khác trước đó như ngứa, buồn nôn, mệt mỏi cần khai báo rõ để bác sĩ đánh giá tình trạng; khi tiêm hoặc uống các loại thuốc nếu cơ thể có những phản ứng nhẹ cũng cần thông tin cụ thể. Ngoài ra, cũng cần nêu rõ nếu từng xảy ra tình trạng ngứa, nổi mề đay khi ăn các loại thức ăn nào đó để được chỉ định tiêm hoặc không tiêm.

Bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có tỉ lệ tử vong dù rất hiếm. Do đó, sau khi tiêm vắc-xin, nếu có tình trạng đau, sốt thì có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường; những phản ứng này có thể hết sau 24 giờ. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì bất kỳ loại vắc-xin, thuốc hay thức ăn nào cũng có thể khiến cơ thể phản ứng. Do đó, tốt nhất là trước khi tiêm cần khai báo rõ tiền sử phản ứng các loại vắc-xin, thuốc, thức ăn. Sau khi tiêm, người dân sẽ được giữ lại 30 phút để theo dõi. Khi trở về nhà, người được tiêm phòng cần tiếp tục tự theo dõi, nếu xảy ra phản ứng mạnh hơn hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời./.

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết