Quan tâm “ươm mầm” tương lai
Từ năm 2010 đến nay, ông Trần Văn Vững đảm nhận Chủ tịch Hội Khuyến học phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An. Theo ông Vững, lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến việc chăm lo, giáo dục học sinh (HS), những mầm non tương lai của đất nước. Với vai trò, trách nhiệm của bản thân, ông Vững là "cầu nối" tin cậy của các mạnh thường quân với HS có hoàn cảnh khó khăn. Ông Vững chia sẻ: “Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội tặng quà, học bổng cho trên 3.900 lượt HS với tổng kinh phí trên 1,243 tỉ đồng. Tùy theo từng hoàn cảnh và khả năng, Hội có sự hỗ trợ phù hợp như tặng tập, viết, sách, xe đạp, bảo hiểm y tế, học bổng, hỗ trợ tiền ăn bán trú cho HS tiểu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,...
Quí I/2022, Hội hỗ trợ quà tặng HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 19 triệu đồng”. Sau ngần ấy năm, có lẽ, ông chẳng thể nhớ rõ từng hoàn cảnh mà ông và Hội đã hỗ trợ, chỉ cần nhìn thấy HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường là ông vui. Trước đó, năm 2000, ông vận động mạnh thường quân xây dựng nhà ăn, làm đường tại Trường Tiểu học Cần Đốt với tổng số tiền 383 triệu đồng.
Ông Trần Văn Vững có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương
Trong căn nhà cấp 4 tại phường 6, ông Vững dành một góc cạnh cửa để bố trí bàn làm việc, máy tính, máy in và các tài liệu phục vụ nhiệm vụ. Nhờ các con “tài trợ”, ông được trang bị các loại máy móc để phục vụ công việc “vác tù và hàng tổng”. Ở tuổi 68, ông sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm Word, Excel. Ông Vững cho biết: “Ban đầu, tôi không biết sử dụng các phần mềm, mỗi khi có việc gì cần làm trên máy tính đều phải nhờ người khác hỗ trợ. Nhận thấy chẳng thể nhờ mãi nên tôi quyết tâm học. Khi thành thạo, tôi còn hỗ trợ những trường hợp lớn tuổi, không rành về công nghệ thông tin trong việc làm báo cáo, thư mời”.
Không chỉ nặng lòng với công tác khuyến học, khuyến tài, ông Vững còn tích cực tham gia các hoạt động khác tại địa phương. Từ năm 1990 đến nay, ông là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố Bình Cư 3 với 31 tổ viên. Tổ đang quản lý nguồn vốn khoảng 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn tham mưu lãnh đạo UBND phường 6 chủ trương vận động người dân góp kinh phí làm đèn đường, đường nước sinh hoạt. Ông phấn khởi kể, đã vận động được 85 triệu đồng cho công trình điểm sinh hoạt văn hóa của khu phố Bình Cư 1 và Bình Cư 3. Được biết, ông ấp ủ dự án này từ năm 2019 nhưng thời điểm đó không vận động được kinh phí.
Mắc bệnh u xương, bước đi khập khiễng, ông Vững từ từ di chuyển đến bàn làm việc. Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ông đi điều trị tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thay vì ở hẳn lại nơi điều trị, mỗi tháng, ông đều về nhà 1 tuần để thu xếp công việc. Ông Vững tâm sự: “Mọi người khuyên tôi nên ít đi lại nhưng còn công việc, có hôm tôi mang theo máy tính xách tay để làm. Công tác vận động vẫn được thực hiện thường xuyên qua điện thoại”.
Thời gian qua, ông Vững nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập,...
Tích cực, năng nổ
Trước đây, bà Đinh Thị Kim Sánh (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) từng là giáo viên mầm non nhưng vì gia đình gặp biến cố nên bà xin nghỉ việc. “Năm 1987, tôi mang thai con thứ 3. Hai con lớn tự chăm nhau, có lần, một bé rơi xuống kênh nhưng may mắn được cứu kịp thời. Sau đó, tôi quyết định nghỉ dạy, ở nhà chăm con và chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập” - bà Sánh nhớ lại. Từ năm 2016 đến nay, bà đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) ấp 2, xã Hòa Phú. Mặc dù phải giữ cháu nhỏ và bán tạp hóa nhưng bà chưa bỏ lỡ bất kỳ hoạt động nào do địa phương phát động.
Chi hội PN ấp 2 có 219 hội viên (HV), với vai trò là Chi hội trưởng, bà thường xuyên tuyên truyền HV, PN thực hiện hiệu quả cuộc vận động Xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”; phong trào thi đua PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; tích cực rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”;...
Bà Đinh Thị Kim Sánh tích cực tham gia các hoạt động do xã phát động
Học Bác đức tính quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân, bà thực hiện nhiều mô hình, việc làm thiết thực, góp phần giúp ấp 2 chỉ còn 2 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. Bà thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của HV, PN để đề xuất, hỗ trợ kịp thời. Nhiều năm qua, bà duy trì mô hình nhóm PN tiết kiệm tín dụng tại ấp nhằm tạo điều kiện cho HV, PN vay vốn với lãi suất thấp. Tiền lãi được Chi hội sử dụng để mua quà tết tặng HV. Ngoài ra, bà Sánh còn vận động HV đóng tiền sức khỏe, theo đó, mỗi người đóng 1.000 đồng/tháng. Nguồn kinh phí được sử dụng thăm HV khi đau bệnh, qua đó, góp phần quan tâm, động viên, thắt chặt tình đoàn kết của HV trong Chi hội.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà tích cực tham gia trực chốt; tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh; vận động quà tặng hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người thuê trọ tại ấp. Ngoài ra, bà còn giữ trẻ giúp người ở trọ trên địa bàn ấp. Bà Sánh tâm sự: “Dịch bệnh khiến cuộc sống của những người đi làm xa quê càng thêm vất vả, hôm nào, ai bận việc thì cứ gửi con cho tôi giữ. Hàng ngày, tôi giữ cháu đã quen nên có thêm một vài trẻ nữa cũng không cực mấy”.
Với những nỗ lực không ngừng, bà Sánh nhận được sự yêu thương, tín nhiệm của người dân trong ấp và chính quyền địa phương đánh giá cao. Bà Sánh nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen các cấp vì có thành tích tốt trong công tác Hội và phong trào PN; đã có thành tích xung phong phục vụ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
Có thể nói, bằng cách làm hay, thiết thực gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Vững và bà Sánh góp phần làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn./.
Nguyễn Dung