Mùi hôi thối từ cống bốc lên, bị mảnh chai đâm vào hay chân đạp phải đinh gỉ sét,... là những nhọc nhằn của người công nhân vệ sinh
Công việc nhọc nhằn...
Khi phố phường chìm trong giấc ngủ thì những công nhân thuộc Đội Vệ sinh của Công ty Cổ phần Đô thị Tân An (tỉnh Long An) bắt đầu công việc. Bất kể thời tiết ra sao, họ vẫn tỉ mẩn quét từng chiếc lá, nhặt từng bao nylon,... để đường phố sạch sẽ vào buổi sớm mai. Thử “trải nghiệm” công việc này một lần, có lẽ, ít người có thể gắn bó lâu dài. Phần vì thời gian trái ngược, phần vì vất vả mà cũng lắm hiểm nguy.
Anh Trần Ngọc Châu (sinh năm 1971) cho biết, Đội Vệ sinh anh phụ trách có 17 người đều là công nhân nữ, đảm nhận quét các tuyến đường nội thị tại phường 1, 3 và 7, bắt đầu từ 23 giờ đêm hôm trước đến hơn 4 giờ sáng hôm sau. Đặc biệt vào những dịp lễ, tết, lượng rác tăng đột biến, áp lực công việc lại tăng gấp nhiều lần. Vào mùa lá rụng nhiều, các tuyến đường như: Huỳnh Văn Đảnh, Trương Công Xưởng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Huệ lại ngập tràn lá, hoa của các loại cây sao, phượng, lim xẹt,... Vừa quét xong, một cơn gió thoáng qua, các chị chỉ biết “tặc lưỡi, lắc đầu” mà “lui cui” làm lại.
Là phụ nữ, lại phải làm việc ban đêm nên có rất nhiều hiểm nguy rình rập. Những người không thực sự yêu nghề, không vì miếng cơm, manh áo thì rất khó “trụ” nổi. Trước đây, từng có trường hợp một công nhân bị mất xe trong lúc đang làm việc, Ban Giám đốc phải trang bị thêm ổ khóa để công nhân an tâm, tập trung cho công việc. Hay cũng có trường hợp nam công nhân (hiện nghỉ hưu) đang dọn dẹp vệ sinh bị tai nạn giao thông do người lái xe trên đường bất cẩn đâm vào. Rồi chuyện thanh niên đua xe, say xỉn, tụ tập gây rối,... cũng là những nguy cơ mà công nhân vệ sinh phải đối mặt.
Còn với Đội Vận chuyển, công việc lại có những nỗi vất vả riêng. Đội gồm 2 ca, các xe rác 5, 7 và 10 tấn làm việc vào ban ngày, từ 6 giờ sáng đến chiều; xe 20 tấn lấy rác ban đêm, từ 18 giờ hôm trước đến tận 2-4 giờ sáng hôm sau. Công nhân Đội Vận chuyển phải là những người có sức khỏe tốt vì phải di chuyển liên tục, thu gom rác từ các tuyến phố nhỏ ra xe lớn. Chưa kể những lúc trời mưa, nước thấm vào túi rác rất nặng do người dân thiếu ý thức, không buộc gọn gàng hay những ngày nắng gắt, rác ở chợ bốc mùi nồng nặc, khi xong nhiệm vụ thì người công nhân cũng rã rời vì mệt.
Anh Lương Quốc Tuấn (sinh năm 1982) - công nhân Đội Vận chuyển chia sẻ: “Tôi mới gắn bó với nghề được 4 năm nhưng cũng có nhiều kỷ niệm khi “rong ruổi” theo... xe rác. Một sự cố nhớ đời là tôi bị kim tiêm đâm phải khi gom rác. Suốt 6 tháng theo dõi, tôi rất lo lắng vì bản thân là trụ cột gia đình, nhà lại thuộc diện hộ nghèo, lỡ như xui rủi bị nhiễm bệnh gì đó từ kim tiêm thì cả nhà sẽ ra sao? Đây cũng là một kinh nghiệm để chúng tôi cẩn thận hơn khi làm việc”. Thế mới thấy, công việc tuy đơn giản nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu như bất cẩn.
Đội Cây xanh đang cắt tỉa tàn cây, tránh gây ảnh hưởng nhà dân và bảo đảm an toàn lưới điện
Bên cạnh Đội Vệ sinh, Vận chuyển, một công việc khác cũng không kém phần nặng nhọc là Đội Công trình giao thông, trong đó có công việc nạo vét hố ga. Mùi nước cống xộc thẳng lên mũi, tay bị mảnh chai đâm vào hay chân đạp phải đinh gỉ sét,... là những nhọc nhằn mấy ai thấu hiểu của những người suốt ngày vất vả với cống rãnh, mùi hôi. Anh Trương Văn Thạch (sinh năm 1968), với “thâm niên” 18 năm trong nghề, chia sẻ: “Làm dần thành quen nên chúng tôi cũng chẳng còn ngán ngại. Xây xát một chút là chuyện bình thường mà thôi! Đã chọn công việc này thì phải chấp nhận!”.
Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Tân An - Nguyễn Thị Hồng Vy cho biết, công ty hiện có trên 200 nhân viên thuộc 5 đội (vệ sinh, vận chuyển, cây xanh, công trình giao thông và chiếu sáng công cộng). Ngoài các chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật, công ty còn mua bảo hiểm thân thể, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị đồ bảo hộ lao động, bồi dưỡng hiện vật (gồm đường, sữa) hàng tháng, hỗ trợ mái ấm Công đoàn cho người có hoàn cảnh khó khăn,... Bên cạnh công việc chuyên môn, các công nhân vệ sinh cũng rất tích cực trong công tác phát hiện, tố giác tội phạm với nhiều nguồn tin có giá trị. Đây là những “cánh tay đắc lực” của lực lượng công an nhằm chung tay bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. |
...nhưng đong đầy ý nghĩa
Chỉ đứng cạnh xe rác, miệng cống chừng vài giây, chúng ta không thể chịu nổi, vậy mà các công nhân phải thường xuyên chịu đựng. Nếu chịu khó quan sát, những công nhân vận chuyển rác, nạo vét bùn hố ga, ngoài bàn tay chai sạn, móng tay, chân cũng thường bị hư, nấm. Bởi vì, cả ngày dài đeo găng, mang ủng cao su khiến da ẩm, cộng thêm môi trường làm việc ô nhiễm, mất vệ sinh nên chuyện ảnh hưởng sức khỏe là điều đương nhiên. Thế nhưng, đối với họ, không chỉ vì miếng cơm, manh áo mà còn có lòng yêu nghề và ý thức vì cộng đồng, xã hội.
Cô Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1962) bộc bạch rất chân tình: “Tôi gắn bó với công việc vệ sinh đường phố hơn 17 năm nay. Tháng 9 năm sau, tôi đến tuổi về hưu, nghĩ đến lúc phải “gác chổi, dẹp xe” là lại thấy buồn! Coi vậy chứ, ngày nào mà không làm, tay chân khó chịu. Tôi chưa bao giờ nản lòng vì làm việc vất vả, chỉ cần thấy tuyến đường mình phụ trách được sạch sẽ, người dân ý thức giữ gìn là tôi vui lây!”.
Công nhân vệ sinh làm việc khi mọi người đang ngon giấc
Với vai trò quản lý Đội Vệ sinh, anh Trần Ngọc Châu không phải trực tiếp tham gia quét dọn. Ấy vậy mà, thấy các cầu bêtông trên địa bàn mình phụ trách như cống Bảo Định, cầu Đúc mới trên đường Trương Định, cầu Bảo Định (cầu Dây Tân An cũ, đường Nguyễn Huệ) không yêu cầu cần phải quét, anh cũng tình nguyện làm - dù là “không công”. Với anh, làm việc đâu chỉ là hoàn thành nhiệm vụ, đó còn là ý thức, trách nhiệm của công dân đối với nơi mình đang sinh sống.
“Một số tuyến đường vừa được vệ sinh sạch sẽ vào sáng sớm, chỉ vài tiếng sau đã dày đặc tờ rơi quảng cáo, nhất là tại 2 đầu cống Bảo Định trên đường Hùng Vương. Người dân nhận tờ rơi, xem qua thấy không cần thiết thì nên tìm thùng rác để bỏ, đằng này, có người vừa cầm xong là “sẵn” tay ném thẳng xuống đường. Mỗi ngày, hàng trăm tờ như thế, chưa kể lúc trời mưa, giấy bám sát mặt đường, rất tội cho các công nhân!” - anh Châu bức xúc.
Hay như tình trạng các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên ném than tổ ong làm cây xanh trồng ven đường bị chết hay đổ “xà bần”, dầu mỡ, quét rác “tấp” vào nắp cống. Đây là những hành vi vô cùng đáng trách vì mỗi cá nhân đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Để có được những đoạn đường sạch đẹp, thông thoáng, rợp mát bóng cây, mỗi bước chúng ta đi qua đều có giọt mồ hôi của những người công nhân thấm vào trong đó. Mấy ai hiểu, những ngày lễ, tết, công nhân vệ sinh càng thêm vất vả, thời khắc giao thừa họ cũng chẳng thể quây quần bên gia đình. Họ còn luôn tay tất bật, dọn rác của ngày tất niên để đường phố sáng đầu năm được sạch sẽ. Mấy ai cảm nhận được nỗi vất vả của những ngày mưa dầm, cống rãnh vướng rác nên không thể thoát nước, công nhân phải đội mưa khơi thông, nạo vét. Hay bất chợt một cơn giông làm cây đổ ngã, các anh, các chú lại tất tả xử lý để tránh ùn tắc giao thông,... Áo của họ lúc nào cũng đượm mùi mồ hôi, lấm lem bùn đất. Thế nhưng, hiểu được nỗi nhọc nhằn của họ, chúng ta mới thấy, những người công nhân ấy vô cùng đẹp. Họ đẹp là vì công việc, vì trách nhiệm, thật lặng thầm mà vô cùng ý nghĩa!
Cát Tường