Tiếng Việt | English

12/08/2017 - 08:55

Nông dân chờ lũ

Tháng 8 về, đây cũng là thời điểm những người mưu sinh theo mùa lũ bắt tay chuẩn bị “đồ nghề” để sẵn sàng mưu sinh theo con nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, không có lũ lớn, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên những người mưu sinh theo mùa lũ luôn thấp thỏm lo âu hoặc đành phải bỏ nghề.


Ông Nguyễn Văn Gạt luôn nhớ về mùa nước nổi năm nào

Kiếm sống bằng nghề khác

Nếu như những năm trước, khi những con nước bắt đầu đổ về, người dân khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng, người dân miền Tây nói chung được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều sản vật: Cá, tôm, bông điên điển, hẹ nước,... Do vậy, mùa lũ còn là mùa “hái” ra tiền của những người mưu sinh theo con nước. Thế nhưng, những năm gần đây, lũ không lớn và nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên nhiều người mưu sinh theo con nước đành phải kiếm sống bằng nghề khác.

Bà Võ Thị Xuân (quê tỉnh An Giang) chia sẻ: “Năm 1999, gia đình tôi đến huyện Tân Hưng, tỉnh Long An sống bằng nghề câu lưới. Lúc đó, cá nhiều lắm, một ngày, gia đình tôi thu nhập cả triệu đồng. Những năm gần đây, tôi phải sống bằng nghề vác tràm thuê, bởi cá, tôm ngày càng cạn kiệt. Mùa lũ năm rồi, tôi mượn người thân 10 triệu đồng mua 200 cái lờ cá lóc, với hy vọng có thêm tiền trang trải cuộc sống. Vậy mà lũ không về, gia đình tôi vừa tốn công, vừa lỗ vốn. Đến nay, mấy trăm cái lờ năm rồi hư hết một mớ. Mùa lũ năm nay, gia đình tôi tiếp tục mượn tiền mua tre sửa lại mấy cái lờ cũ để kiếm sống qua ngày. Năm nay, nếu gia đình tôi sống không nổi bằng nghề câu lưới, chắc phải bỏ nghề luôn quá!”.

Rời nhà bà Xuân, tiếp tục chạy xe dọc theo bờ kênh 79, chúng tôi thấy nhiều cánh đồng lúa bát ngát trước đây giờ thành những cánh đồng nước trắng xóa, xa xa có những người giăng câu, giăng lưới, đặt lờ,... Theo chân cán bộ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Khang (ngụ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi). Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là đôi vợ chồng đang còng lưng ngoài nắng vá lại mấy cái dớn để chuẩn bị mưu sinh trong mùa lũ.

Ông Khang buồn rầu nói: “Cả gia tài của gia đình tôi chỉ có 10 cái dớn này, trị giá khoảng 10 triệu đồng. Nếu nước lên không cao, chắc chúng tôi phải bỏ nghề, bỏ xứ, kiếm nghề khác mà sống! Hiện nay, nhiều người sống bằng nghề câu lưới ở xứ này giải nghệ và lên Bình Dương làm công nhân hết rồi”.


Bà Đặng Thị Phượng (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) bày hẹ nước vừa hái được ra bán

Nhớ mùa lũ năm nào

Gần cả đời người gắn bó với nghề câu lưới, ông Nguyễn Văn Gạt (ngụ ấp Đông Nam, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Đối với chúng tôi, mùa lũ luôn là những kỷ niệm đẹp, bởi vất vả nhưng vui vì có thêm công việc để làm, có đồng ra, đồng vô. Nhớ những năm nước lũ lớn, gia đình tôi còn làm được vài khạp mắm, khô cá lóc ăn quanh năm cũng chẳng hết; vậy mà mấy năm trở lại đây, kiếm vài con cá để ăn còn khó huống chi là làm mắm, làm khô. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị vài tay lưới để mưu sinh trong mùa nước nổi. Chúng tôi mong, năm nào lũ cũng lớn, cũng có nhiều tôm, cá để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”.

Không riêng những người sống bằng nghề câu lưới như bà Xuân, ông Khang, ông Gạt mới cảm thấy nhớ và lo âu khi lũ không về mà cả những người sống bằng nghề hái hẹ nước, bông điên điển, bông súng cũng lo lắng khi không còn được thiên nhiên ưu đãi như xưa. Bà Đặng Thị Phượng (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) bộc bạch: “Tôi lớn tuổi, thường xuyên đau ốm nên không thể đi làm thuê được. Vì vậy, mùa lũ nào, tôi cũng đi hái bông điên điển, hẹ nước về bán dọc Quốc lộ 62. Tuy nhiên, mấy năm nay, lũ nhỏ, tôi hái cả ngày kiếm chưa được 50.000 đồng”.

Những người dân ở vùng quê sông nước, đặc biệt là đối với các hộ dân nghèo ít vốn thì mùa lũ là mùa “ăn nên làm ra”. Vì vậy, họ rất mong thiên nhiên tiếp tục ưu đãi cho họ có một mùa bội thu trong mùa lũ này./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết