Nỗi niềm của nữ danh ca
Về Việt Nam đúng vào mùa thi Tình ca Bắc Sơn, nữ danh ca Hương Lan - người thể hiện thành công dòng nhạc Bắc Sơn, kịp thời có mặt trong đêm gala báo cáo thành quả của cuộc thi này. Chị tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi biết rằng, có hơn 900 thí sinh dự cuộc thi ý nghĩa này. Tôi là người hát những bản nhạc tình ca Bắc Sơn đầu tiên.
Đó là vào thập niên 80 của thế kỷ trước, mỗi năm về Việt Nam, tôi đều đến thăm ông, bà, nghe những câu chuyện về việc sáng tác nhạc, để hiểu hơn về cấu tứ bài hát mà ông muốn gửi gắm. Tôi được ông cho phép chỉnh sửa câu nhạc, lời ca sao cho thuận với làn hơi của mình. Hát nhạc Bắc Sơn là phải hát một cách thiệt thà, chân chất. Vì ông đưa vào đó âm nhạc ngũ cung với hò, xự, xang, xê, cống rất rõ nét. Và hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, cánh đồng lúa in dấu trong mỗi ca từ của ông. Tôi đi diễn bất cứ nơi nào có người Việt, họ đều yêu thích những bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn; trong đó có nhiều bài, ông phổ thơ của vợ mình, nhà thơ Ngọc Bích - người mà tôi gọi là mẹ, thương yêu tôi, xem tôi như đứa con trong gia đình.
Đạo diễn Thanh Hiệp và 3 nữ ca sĩ chuyên hát dòng nhạc Bắc Sơn: Hương Lan, Bích Thủy, Bích Phượng trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn
Từ đó, tôi yêu quý ca sĩ Hạ Châu, Bích Lan, Bích Thủy, các em nối nghiệp cha mình, có người đi hát, làm MC, diễn kịch nhưng chung quy đều mong muốn được tiếp nối con đường nghệ thuật, nhân rộng việc truyền đến người nghe hôm nay những rung cảm từ dòng nhạc của cha mình. Vì thế mà tôi rất trân quý cuộc thi Tình ca Bắc Sơn”.
Vượt qua 900 thí sinh dự thi, 5 giọng ca xuất sắc tranh tài vòng chung kết xếp hạng, khẳng định dòng chảy của âm nhạc Bắc Sơn vẫn sống trong lòng người yêu âm nhạc. Đó là 5 ca sĩ: Liêu Kỳ, Nguyễn Tuấn, Đại Lộc, Hồng Thắm và Như Ý.
“Điều ghi nhận là số đông thí sinh đến với cuộc thi này đều còn rất trẻ. Họ là học sinh, sinh viên, công nhân, lao động, có người bán kẹo kéo, bán hàng rong,... Tôi xúc động khi biết các em đến với cuộc thi không phải để tranh tài cao thấp mà muốn được đến nhà của nhạc sĩ Bắc Sơn, thắp hương lên bàn thờ của ông, rồi hát “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Bông bí vàng”, “Tháng mấy em về”,… Tôi mang ơn ông để lại cho đời rất nhiều bài hát hay, để hôm nay, tâm trạng của một ca sĩ thấy các bạn trẻ tiếp tục hát nhạc của ông, phổ biến nhiều bài hát chưa được gia đình công bố, làm cho tôi vô cùng xúc động” - danh ca Hương Lan chia sẻ cảm xúc.
Hơi thở cuộc sống trong dòng nhạc Bắc Sơn
Hơn 900 thí sinh dự thi, có những em ở độ tuổi 12, 13, có em khiếm thị được người nhà đưa đến nhưng lại hát rất hay những ca khúc của nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn. Trong đêm chung kết xếp hạng (tối 19/10/2017), hàng trăm khán giả cổ vũ cho 5 thí sinh khiếm thị: Ngọc Ngân, Kim Anh, Ngọc Anh, Bảo Châu và Tường Vy khi cả 5 bước ra sân khấu cùng hát tốp ca Em đi trên cỏ non khiến khán giả thích thú. Nữ danh ca Hương Lan đã khóc khi xem tiết mục này. Chị khen ngợi các thí sinh đoạt giải cao, truyền tải đến khán, thính giả đúng tinh thần những bài hát của người nhạc sĩ tài hoa.
Ở đó có ca sĩ Liêu Kỳ - giải nhất (tên thật là Lâm Văn Cờ, sinh năm 1993, tại Bạc Liêu), vốn là hướng dẫn viên du lịch công tác ở một công ty lữ hành tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Em tên Cờ nên đổi nghệ danh là Kỳ và lấy chữ Liêu từ quê hương Bạc Liêu để làm nghệ danh mới của mình.
“Tôi nghe Liêu Kỳ hát và nghe em tâm sự rằng, em thích dòng nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn từ nhỏ. Nên trong tôi có chút gì đó cứ lâng lâng khó tả khi nghe Liêu Kỳ hát những giai điệu, ca từ, nhất là bài Mùa bông điên điển, nói về cái nghèo của người dân chạy lũ, nhưng sống lạc quan, yêu đời, trông chờ vào tình yêu chung thủy để vượt qua cơn lũ” - nữ danh ca chia sẻ.
Danh ca Hương Lan và ca sĩ - doanh nhân Bích Thủy
Niềm vui được nhân lên cùng với hạnh phúc, dù trong thời gian diễn ra cuộc thi, gia đình cố nhạc sĩ Bắc Sơn liên tiếp gánh chịu 2 cái tang: Người con trai cả và vợ của nhạc sĩ Bắc Sơn ra đi cách nhau 2 tuần. “Nhưng các thành viên trong gia đình vẫn tổ chức trọn vẹn cuộc thi này, tổ chức hơn 40 suất chương trình “Giới thiệu âm nhạc mang âm hưởng dân ca” tại các trường THCS, THPT và một số trường đại học tại Long An, TP.HCM. Đó là việc làm thiết thực và vô cùng ý nghĩa, góp phần đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca đến gần hơn với giới trẻ” - ca sĩ Hương Lan nói.
Nữ ca sĩ Bích Thủy - người con gái thứ 9 của nhạc sĩ Bắc Sơn, khẳng định: “Dù khó khăn đến đâu, tôi và Tập đoàn An Nông vẫn cố gắng tổ chức chương trình này. Sau đợt biểu diễn tại Long An, tôi sẽ tổ chức tại Đồng Nai, quê hương của ba tôi; tiến tới tổ chức cuộc thi Tình ca Bắc Sơn dành cho học sinh, sinh viên. Tôi cảm ơn tình cảm của công chúng dành cho cuộc thi, cảm ơn ca sĩ Hương Lan luôn dành cho gia đình tôi nhiều tình cảm. Chị là động lực tiếp sức với chúng tôi, cùng nhân rộng hiệu quả của việc giới thiệu dòng nhạc Bắc Sơn đến với thế hệ trẻ”.
HTV thực hiện chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn, vinh danh nhạc sĩ Bắc Sơn, có sự tham gia của nữ danh ca Hương Lan. Quỹ học bổng mang tên nhạc sĩ Bắc Sơn trao học bổng cho 100 học sinh là con em nghệ sĩ nghèo, công nhân sân khấu, điện ảnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường. “Bích Thủy làm điều này rất ý nghĩa, vì hồi đó, nhạc sĩ Bắc Sơn từng dạy học sinh khiếm thị tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, ông chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh; ngày nay, khi các con của ông thành đạt, tiếp tục làm theo di nguyện của cha” - ca sĩ Hương Lan. |
Bài thơ đạo diễn Thanh Hiệp viết tặng gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn
Tình ca Bắc Sơn dạt dào thương cảm
Luôn ấm lòng người xa xứ lìa quê
Cho dẫu ở nơi đâu trên quả địa cầu
Vẫn luôn nhớ nồi canh rau đắng
Em nhớ anh thương “Mùa bông điên điển”, thương màu “Bông bí vàng”, thương ánh mắt thân yêu
“Em đi trên cỏ non” lòng lặng lẽ nhớ quê nhà. Ôi “Góc bếp cháy hè”, anh “Qua nhịp cầu tre”, “Tháng mấy em về” trộm nhìn “Gió đưa bông sậy”
Để “Con tư Bến Tre” không còn than vắn, thở dài
Cả nhà mình về thăm quê ngoại
Nghe mấy câu hò, anh thương biết bao nhiêu.
Hò ơi, gió đưa bông bí sau hè
Thương em yêu mãi vần thơ ngọt ngào
Dòng thơ quý tháng ngày lam lũ
Mẹ thay cha nuôi dạy đàn con
Không than vãn một đời cơ cực
Vinh danh mẹ - nhà thơ Ngọc Bích
Biết ơn cha - dòng nhạc Bắc Sơn
Mai này sông cạn đá mòn
Tình cha nghĩa mẹ khắc ghi muôn đời. |
Thanh Hiệp