Tiếng Việt | English

13/03/2018 - 19:49

Nữ văn sĩ nặng lòng với chiến tranh

Chiến tranh đi qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, ký ức về những năm tháng quê hương chìm trong lửa đạn vẫn còn in sâu. Nhà văn Võ Thúy Phượng là một trong những người như vậy. Ngoài 70 tuổi, có khoảng 40 năm cầm bút với cả ngàn truyện ngắn và hầu như trong những tác phẩm của bà đều có dáng hình người bộ đội.

Viết như một thói quen

Nhà văn Võ Thúy Phượng (thị trấn Cần Ðước, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An), bén duyên với văn chương một cách nhẹ nhàng, sau khi đất nước thống nhất, cô bộ đội chiến trường trở thành cô giáo. Cô giáo miền hạ không chỉ yêu trẻ mà còn yêu cả văn chương. Bắt đầu là những mẩu truyện ngắn đăng báo, rồi bà tham gia các cuộc thi, từ cấp tỉnh đến khu vực và cấp quốc gia. 40 năm, cuộc sống với biết bao thăng trầm, thay đổi nhưng “nghiệp” viết thì bà chưa từ bỏ ngày nào.

Nhà văn Thúy Phượng kể: “Có những giai đoạn gia đình rất khó khăn, con đang đi học, “cơm áo gạo tiền” thôi đã vất vả rồi nhưng tôi vẫn dành thời gian viết và các tác phẩm viết ra hầu hết đều đoạt giải những cuộc thi mình tham gia”. Hỏi đã đoạt bao nhiêu giải, có bao nhiêu tác phẩm, bà chỉ cười: “Làm sao mà nhớ hết, tôi tham gia rất nhiều cuộc thi và viết như một thói quen!”.

Ở độ tuổi quá 70, nhà văn Võ Thúy Phượng vẫn miệt mài bên từng trang bản thảo

Ở độ tuổi quá 70, nhà văn Võ Thúy Phượng vẫn miệt mài bên từng trang bản thảo

Thói quen ấy đến giờ vẫn vậy, dù đã ngoài 70, mỗi sáng, bà dậy thật sớm và viết, khi nào thấy trong người khỏe thì viết, viết một cách miệt mài. Không dùng được máy vi tính, bà viết tay, những tập bản thảo cứ dày lên mỗi ngày. Viết bản thảo xong, chép lại ra giấy học trò, đọc đi, đọc lại, chỉnh ý từng từ, từng chữ rồi nhờ con gái đánh máy lại, lưu vào máy tính.

Căn nhà cấp 4 nhỏ nằm nép bên dòng sông là nơi kể lại biết bao ký ức oai hùng của những người làm cách mạng. Ở đó có người phụ nữ chăm chỉ góp nhặt từng chút ký ức của mình và đồng đội, ghi chép lại cho thế hệ sau biết được chiến tranh khốc liệt như thế nào nhưng cũng chứa đầy tình yêu, niềm tin và hy vọng. Tóc em dài không biên giới, Bàn chân con gái thiệt thương, Keo Pha Ni,... là những tác phẩm quen thuộc làm nên tên tuổi nhà văn Võ Thúy Phượng.

Nặng lòng với chiến tranh

Bà vẫn hay tâm sự: “Muốn viết nhiều, viết hay thì người viết phải đi nhiều. Tôi lớn tuổi rồi, giờ không đi nhiều được thì viết về chiến tranh. 10 năm trong quân ngũ, nếm đủ buồn vui, gian khổ, nghe được biết bao câu chuyện mà có lẽ chỉ chiến tranh mới có. Tôi được sinh ra và lớn lên tại Campuchia, rồi thoát ly, đi bộ đội. Với tôi, đó là cả một kho tư liệu tuyệt vời. Bởi tôi nghĩ, chỉ những ký ức chân thật mới có thể giúp làm nên cái hồn cho tác phẩm”.

Quả vậy, có đọc từng truyện ngắn của nhà văn Võ Thúy Phượng mới thấy hết “cái hồn” mà bà nhắc đến. Đó là sự hồn hậu, chân thật của nông dân, là sự nhạy cảm của người phụ nữ, là trái tim yêu đời, nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ. Tác phẩm có thể không bóng bẩy nhưng đâu đó trong từng câu chữ có cả trái tim và tình yêu của người cầm bút nên rất dễ chạm vào trái tim người đọc. Cái tôi miền Nam mộc mạc nên cách kể chuyện cũng gần gũi, chân thành. Nếu đó không phải là câu chuyện tình dang dở trong chiến tranh hay những lần thoát chết trong gang tấc của bộ đội ta thì cũng là nỗi lòng thầm kín, nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai của những thương binh thời hậu chiến.

Trong những truyện ngắn của nhà văn Võ Thúy Phượng, có cả câu chuyện về vết thương ở nơi “khó nói” của một thương binh, khiến anh cứ hay đưa mắt nhìn vời vợi xa xăm khi gặp người phụ nữ nào vì cảm mến mà muốn cùng gá nghĩa. Nỗi đau ấy hết sức đời thường, ít người biết được và cái cách vượt qua nỗi đau, sống rất kiên cường, rất bộ đội khiến tổng thể câu chuyện trở nên nhân văn, sâu sắc chứ không hề mang màu sắc bi ai.

Dẫu biết rằng, không phải ký ức nào của chiến tranh cũng đẹp và êm ấm nhưng với nhà văn Võ Thúy Phượng thì truyện ngắn nào cũng có cái kết êm lòng. Có thể đó là một câu chuyện buồn, có thể những nhân vật ấy không thể vẹn tròn ước mơ, hy vọng nhưng sự không vẹn tròn cũng được xử lý để trở nên mềm mại, dễ chấp nhận, cảm thông và trở thành bài học hơn là day dứt và khắc khoải.

Ở độ tuổi quá 70, nhà văn Võ Thúy Phượng vẫn miệt mài bên từng trang bản thảo. Với bà, viết là “nghiệp”, là niềm vui và thành quả nhận được cho sự miệt mài ấy thiết nghĩ cũng là điều tất yếu./.

Năm 2017, nhà văn Võ Thúy Phượng đoạt giải C cuộc thi văn học về tình hữu nghị 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia với truyện ngắn Keo Pha Ni. Đây là câu chuyện kể về ký ức có thật của nhà văn về lần đỡ đẻ cho một phụ nữ Campuchia trong chiến tranh.

Nhà văn còn đoạt nhiều giải thưởng của rất nhiều cuộc thi khác.

Nhà văn còn xuất bản nhiều tập truyện ngắn: Giữa Đồng Tháp Mười, Nửa vầng trăng lạc,... Ngoài ra, bà còn là soạn giả, viết rất nhiều bài ca cổ, trong đó có 1 tập ca cổ viết riêng về đề tài biển, đảo.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết