Tiếng Việt | English

08/10/2018 - 10:39

Nước hợp vệ sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu

Các trạm cấp nước, giếng nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư nhiều công trình nâng cấp, xây dựng mới để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt đầy đủ theo kế hoạch.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), đến năm 2020, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) đạt 98%, nước sạch đạt 45% (đạt 14 chỉ tiêu kỹ thuật) theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 01/12/2009.

An tâm sử dụng nước

Trước đây, người dân ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn nước mặt từ các con sông, kênh, rạch để sinh hoạt là chủ yếu. Tuy nhiên, nguồn nước này không bảo đảm chất lượng do bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiễm phèn, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân. Thực trạng trên đặt ra thách thức không nhỏ đối với tỉnh cũng như chính quyền cơ sở trong vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cấp, xây dựng các trạm cấp nước, giếng nước trên địa bàn, ưu tiên những nơi nhu cầu bức bách nhất.

Nhiều trạm cấp nước được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân

Nhiều trạm cấp nước được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân

Trước đây, người dân xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ chủ yếu sử dụng nước từ kênh, mương để sinh hoạt, sau đó chuyển sang sử dụng nước giếng khoan (tự phát, không được hướng dẫn) nhưng không bảo đảm chất lượng. Tỉnh, huyện sau khi đi thực tế đã đầu tư nhiều trạm cấp nước, hướng dẫn khoan giếng (những nơi trạm cấp nước chưa cấp) và lắt đặt hệ thống lọc để người dân có nước HVS sử dụng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam, phấn khởi: “Nước sinh hoạt bây giờ cơ bản đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Người dân ở đây ai nấy đều vui mừng. Giếng nước khoan của ấp mới được đầu tư nâng cấp, chúng tôi an tâm sử dụng, chứ lúc trước, nước ở đây nhiễm phèn, mặn dữ lắm, ai cũng lo ngại đến sức khỏe của mình. Chúng tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo quan tâm!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Đức Uyên, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS, nước sạch trên địa bàn tăng qua mỗi năm. Hiện toàn xã có hơn 99% hộ dân sử dụng nước HVS. Nước HVS cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Toàn xã hiện có gần 10 trạm cấp nước, trong đó 7 trạm đưa vào sử dụng ổn định và bảo đảm cung cấp nước đầy đủ. Các trạm còn lại đang tiếp tục được nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Bên cạnh đó, địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới, được cấp trên hỗ trợ (theo lộ trình) tiếp tục cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước HVS thành nước sạch để sớm đạt chỉ tiêu về nước sạch theo quy định. Ngoài ra, các giếng nước của người dân, xã đang vận động lắp đặt hệ thống lọc để có nguồn nước sạch sử dụng.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ, do người dân ở rải rác, ít tập trung nên việc cấp nước gặp khó khăn. Thời gian qua, tỉnh, huyện tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp một số giếng nước phục vụ nhu cầu của người dân. Đến năm 2017, toàn huyện có gần 90% hộ dân sử dụng nước HVS. Tỉnh, địa phương đang tiếp tục đầu tư để nâng tỷ lệ sử dụng nước HVS cho người dân trên địa bàn.

Tại xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, các trạm cấp nước HVS được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Ông Trần Văn Toàn, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, chia sẻ: “Mấy năm nay, chúng tôi không còn sử dụng nước từ kênh, rạch như trước nữa vì địa phương đã xây trạm cấp nước, bảo đảm cung cấp đủ nước để người dân ở đây sinh hoạt”.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp, thời gian qua, huyện chú trọng đầu tư trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân, mỗi năm, đều bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các trạm cấp nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 40 trạm cấp nước tập trung. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS tăng hàng năm. Đến thời điểm này, đa số người dân trên địa bàn huyện có nước HVS sử dụng, chỉ còn một số hộ ở xa khu dân cư hoặc xa đường ống dẫn chưa có nước HVS để sinh hoạt. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khoan giếng hoặc dùng xe chuyên chở nước HVS về nhà nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân sử dụng nước không HVS.

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,4%

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,4%

Tại thị xã Kiến Tường, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng được quan tâm thực hiện. Các trạm cấp nước (nếu đầu tư mới sẽ là trạm cấp nước sạch), giếng nước được cải tạo, nâng cấp, bảo đảm nhu cầu sử dụng cũng như chất lượng nguồn nước. Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin: Thị xã rất chú trọng việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các trạm cấp nước trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Hiện toàn huyện có trên 99% hộ dân sử dụng nước HVS. Tại các phường trên địa bàn, 100% hộ dân có nước sạch sử dụng; riêng ở các xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp. Nguyên nhân nguồn kinh phí còn khó khăn nên chưa thể đầu tư được. Năm 2017, thị xã đầu tư 50 tỉ đồng nâng cấp các công trình cấp nước (nước sạch) để nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Về lâu dài, thị xã sẽ kêu gọi xã hội hóa vấn đề cấp nước; giao lại cho đơn vị đủ chuyên môn đảm nhận, đầu tư cấp nước sạch cho người dân dưới sự theo dõi, giám sát của chính quyền địa phương.

Theo thông tin từ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, việc đầu tư trạm cấp nước HVS ưu tiên cho những nơi thiếu nước, nhu cầu lớn tại các xã nông thôn, xã nông thôn mới. Để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trung tâm tham mưu cấp trên xây dựng kế hoạch trung hạn theo từng năm, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch. Với kế hoạch đó, mỗi năm, tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS sẽ tăng lên và đến năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện đạt chỉ tiêu./.

Năm 2017, toàn tỉnh có 96,4% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (nước máy 72,4%, còn lại các nguồn khác), 24,5% hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Năm 2018, tỉnh đầu tư 13 công trình cấp nước sạch (chuyển tiếp năm 2017) với nguồn vốn khoảng 50 tỉ đồng.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết