Qua điều tra, đánh giá, có 31/812 mẫu đất bị ô nhiễm
31/812 mẫu đất bị ô nhiễm
Dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương thực hiện. Dự án nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, giúp địa phương phân tích thực trạng chất lượng đất, ô nhiễm đất. Thông qua kết quả điều tra của dự án sẽ đề ra các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý, sử dụng đất bền vững. Qua kết quả đánh giá sẽ cung cấp dữ liệu về tài nguyên đất để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh; góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung, thống nhất và phục vụ đa mục tiêu,...
Các hoạt động điều tra, đánh giá ô nhiễm đất lần đầu được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, tại các khu vực khu công nghiệp; cụm công nghiệp; khu tiểu thủ công nghiệp; làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; đất bãi thải, xử lý chất thải; khu nuôi trồng, chế biến thủy sản; khu vực canh tác sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật; khu vực nghĩa trang, nghĩa địa và các khu vực phát sinh ô nhiễm khác.
Ngày 30/7/2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đã ký ban hành Quyết định phê duyệt kết quả thực hiện dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả công bố, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 812 mẫu đất và 372 mẫu nước để phân tích. Kết quả, có 31/812 mẫu đất bị ô nhiễm, phân bố nhiều ở các huyện: Cần Đước (7 mẫu), Tân Trụ (6 mẫu), Cần Giuộc (4 mẫu), Bến Lức (3 mẫu), Châu Thành (3 mẫu),... Qua phân tích, mẫu đất bị ô nhiễm Cd chiếm tỷ lệ nhiều nhất (21 mẫu) và As (6 mẫu); có 81/812 mẫu đất bị cận ô nhiễm, phân bố ở các huyện: Cần Đước (23 mẫu), Châu Thành (11 mẫu), Tân Hưng (9 mẫu), Đức Hòa (8 mẫu), Cần Giuộc (6 mẫu), Bến Lức (6 mẫu), Tân Trụ (4 mẫu),... Qua phân tích, mẫu đất bị cận ô nhiễm nhiều nhất là As (48 mẫu) và Cd (31 mẫu).
Đồng thời, có 111/372 mẫu nước bị ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm các chất hữu cơ chiếm tỷ lệ cao như BOD5 (90 mẫu), COD (89 mẫu), NH4+ (64 mẫu). Mẫu nước bị ô nhiễm phân bố nhiều ở các huyện: Cần Đước (18 mẫu), Cần Giuộc (15 mẫu), Tân Hưng (12 mẫu), Tân Thạnh (12 mẫu), Đức Hòa (11 mẫu), Tân Trụ (9 mẫu), Châu Thành (6 mẫu),...
Ngoài ra, có 76/372 mẫu nước bị cận ô nhiễm, chủ yếu cận ô nhiễm các chất hữu cơ: COD (5 mẫu), NH4+ (4 mẫu), BOD5 (3 mẫu), phân bố chủ yếu ở các huyện: Bến Lức (21 mẫu), Cần Đước (11 mẫu), Đức Hòa (8 mẫu), Cần Giuộc (7 mẫu), Tân Thạnh (5 mẫu), Thạnh Hóa (5 mẫu), Vĩnh Hưng (4 mẫu), TP.Tân An (4 mẫu).
Ngày Môi trường Thế giới 05/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Trong Lễ phát động hưởng ứng trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai phù hợp với điều kiện KT-XH và sinh thái của từng vùng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng - thủy văn của địa phương trong việc phòng, chống hạn.
Ông Nguyễn Minh Lâm cũng kêu gọi cá nhân, tổ chức sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, xem nội dung phục hồi đất, chống hạn là nhiệm vụ quan trọng, một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển KT-XH.
|
Nhiều nguồn gây ô nhiễm
Kết quả tổng hợp đánh giá theo nguồn gây ô nhiễm ở khu công nghiệp cho thấy có hơn 42,2ha đất bị ô nhiễm, hơn 352ha cận ô nhiễm; ở cụm công nghiệp có 40ha bị ô nhiễm, hơn 201ha cận ô nhiễm. Nguồn từ nghĩa trang, nghĩa địa có hơn 767ha đất bị ô nhiễm, hơn 133ha cận ô nhiễm.
Nguồn từ bãi rác, xử lý rác thải có hơn 33ha đất cận ô nhiễm, gần 80ha bị ô nhiễm. Nguồn từ các cơ sở y tế, bệnh viện có hơn 30ha đất bị ô nhiễm, gần 135ha cận ô nhiễm. Nguồn từ khai thác khoáng sản có hơn 5,4ha đất bị ô nhiễm, 8,2ha cận ô nhiễm.
Việc xả, thải ở các cơ sở sản xuất cũng là nguồn gây ô nhiễm đất
Kết quả đánh giá cũng nêu rõ, các khu vực thâm canh cao, sản xuất sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có hơn 239ha đất bị ô nhiễm, hơn 318ha cận ô nhiễm. Diện tích đất nuôi thủy sản bị ô nhiễm hơn 600ha, cận ô nhiễm 582ha (ô nhiễm và cận ô nhiễm chiếm tỷ lệ cao là kim loại nặng). Trong khi đó, kết quả đánh giá ô nhiễm đất theo đơn vị hành chính thì các địa phương có diện tích đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm nhiều là huyện Cần Đước, Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành,...
Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất này được công bố công khai. Ông Nguyễn Minh Lâm đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án, biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng đất hợp lý, bảo đảm hiệu quả và bền vững./.
|
Nhằm bảo đảm các mục tiêu sử dụng nước, an ninh nguồn nước và xử lý kịp thời các xung đột môi trường thì việc phát triển bền vững, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết.
|
Lê Đức