Bà Cánh và mẹ chồng chơi với cháu nhỏ trong lúc cha mẹ cháu đi làm
Chuyện bà chăm cháu
Dắt theo 2 cháu nhỏ, bà Hai (ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) ngồi xuống hiên nhà hàng xóm. Bà vừa trò chuyện, vừa quan sát cháu chơi quanh đó. Bà Hai năm nay gần 60 tuổi. Hai đứa cháu của bà tầm 2-3 tuổi, một là cháu nội, một là cháu ngoại. Bà Hai đã chăm cháu từ ngày còn đỏ hỏn. Cháu ngoại được 6 tháng thì gửi cho bà chăm vì cha mẹ chúng làm việc xa nhà. Bà sống chung vợ chồng con trai và cháu nội, vì con đi làm nên bà nhận luôn nhiệm vụ chăm sóc cháu nội cả ngày lẫn đêm.
Bà Hai nói: “Đêm tôi ngủ thì 2 tay ôm 2 cháu, giữa đêm phải thức dậy cho uống sữa; ban ngày thì lo ăn uống, cho cháu ngủ, nấu cơm là hết ngày. Tôi còn phải giúp ông nhà cắt lục bình phơi để có tiền xoay xở trong nhà. Nhiều khi 1 giờ sáng, tôi phải dậy cắt lục bình tới 5 giờ thì vô nhà lo cho cháu, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ”.
Gia đình bà Hai thuộc diện hộ nghèo của xã. Các con bà kinh tế cũng khó khăn nên việc trông cháu nhờ hết vào bà. Thương con, thương cháu nên bà Hai nhận chăm sóc cháu nhưng bà bảo mình rất mệt. Bà ước được ngủ một đêm ngon giấc, được nghỉ ngơi, không cần làm việc luôn tay luôn chân như bây giờ. Bà Hai tâm sự: “Tôi mệt quá nhưng cháu mình thì biết bỏ cho ai. Tôi chưa được 60 tuổi mà cảm giác như mình đã 70 tuổi rồi!”.
Ở độ tuổi của mình, bà Hai cần được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn phải làm việc nhiều để vừa chăm sóc tốt cho các cháu, vừa có thể góp phần tạo thu nhập cho gia đình. Nói chưa tròn câu chuyện thì 2 cháu nhỏ nằng nặc đòi về. Bà Hai đứng lên, vừa dắt cháu ra về, vừa nói vọng lại: “Ở nhà còn 2 đứa nữa, nghỉ hè nên ngày nào cũng về chơi cho tôi trông chừng”.
Ông bà chăm cháu là chuyện thường thấy. Đến thăm các gia đình 3 thế hệ vào giờ hành chính thì đa số chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Khi cha mẹ các bé bận rộn với việc cơ quan, việc công ty thì ông bà là người chăm sóc cháu. Bà Nguyễn Thị Cánh (ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) cũng một tay chăm cháu nội rồi đến cháu ngoại từ khi cháu 6 tháng cho đến tuổi tới trường. Bà Cánh kể, vì các con làm việc giờ hành chính nên bà giúp con chăm cháu từ sáng đến chiều, tối cha mẹ các bé sẽ đón về chăm sóc. Lúc đó, bà có chút thời gian cho riêng mình.
Ngày còn trẻ, bà Cánh từ bỏ công việc, lui về chăm sóc gia đình, làm dâu, làm vợ, chăm con và giúp chồng lo thêm kinh tế. Khi các con đã lớn, bà tiếp tục trông cháu và quán xuyến việc nhà để các con yên tâm làm việc. Khi được hỏi có cảm thấy mệt không, bà cười: “Chăm em bé thì tất nhiên là vất vả nhưng tôi thấy mình thoải mái hơn trước vì bây giờ chỉ tập trung chăm cháu, không lo nghĩ chuyện kinh tế gia đình". Bà Cánh sống cùng mẹ chồng nên có cháu nhỏ, bà thấy mẹ chồng mình vui hơn khi được chơi cùng cháu. Gia đình trở nên ấm cúng, ngập tiếng cười hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Đừng biến niềm vui thành trách nhiệm!
Biết được người lớn tuổi cần sự quan tâm và sẽ vui hơn khi có cháu con gần bên cạnh, vợ chồng chị Trần Thị Thắm (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) thường xuyên đưa con sang nhà nội chơi. Chị Thắm chia sẻ: “Công việc của vợ chồng tôi thời gian linh động nên có thể thay phiên nhau trông con. Trước đây, thỉnh thoảng, chúng tôi gửi cháu cho bà nhưng sau này thấy sức khỏe bà kém nên chúng tôi chỉ đưa cháu đến chơi cùng bà. Nhà gần nên chúng tôi lui tới thường xuyên”.
Theo chị Thắm, vợ chồng chị luôn xem việc trông giữ con là việc của mình, không phó mặc cho bà nội. Anh chị muốn tự mình chăm sóc con để có thể theo dõi sát sao sự phát triển về thể chất và tinh thần của con cũng như giữ sợi dây kết nối với con. Tuy nhiên, anh chị luôn tạo mọi điều kiện để cháu được chơi cùng bà. Anh chị muốn con có cơ hội được gần gũi và cảm nhận tình thương của bà, điều đó cũng giúp bà vui hơn, khỏe hơn.
Theo chuyên gia tâm lý, ông bà có thời gian chơi cùng cháu sẽ giúp tâm trạng thoải mái, hạnh phúc hơn. Việc vận động khi chơi với cháu cũng góp phần giúp ông bà rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, cháu gần gũi ông bà sẽ được giáo dục tốt về tình cảm gia đình. Bằng kinh nghiệm sống của mình, ông bà dạy cháu những điều tốt đẹp về đạo đức, lối sống, truyền thống,...
Trong bài viết Mối quan hệ ông bà với con cháu trên Trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ: “Ngoài tình yêu thương, sự chăm sóc và kỳ vọng dành cho các cháu, ông bà còn dạy các cháu những giá trị đạo đức, cách đối nhân xử thế để làm hành trang cho các cháu bước vào cuộc sống tương lai. Vì thế, ông bà như là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là những người đem những tinh hoa của thế hệ đi trước truyền dạy lại cho con cháu mai sau giữ gìn và phát huy... Hoặc có những gia đình được ông bà dạy cho con cháu nguyên tắc sống, phẩm chất đạo đức làm người như là biết cảm thông, yêu thương, san sẻ, bao dung, biết giữ gìn nề nếp, tác phong, kỷ luật tốt... Tất cả tạo thành mối liên hệ gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình”.
Việc ông bà chăm sóc cháu mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ và sức khỏe của ông bà. Tuy nhiên, nếu lạm dụng điều đó, biến việc trông cháu thành trách nhiệm cho ông bà thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn ngược lại.
Cuộc sống hiện đại khiến người trẻ bị cuốn theo công việc, tuy nhiên, không thể vì điều đó mà giao hết trách nhiệm chăm sóc con trẻ cho ông bà, đừng biến niềm vui chơi với cháu con của ông bà trở thành trách nhiệm và gánh nặng!
Mộc Châu