Tiếng Việt | English

01/09/2021 - 15:37

Ông Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Đổi mới hiệu quả kỳ họp Quốc hội

Sáng nay (1/9) tại Nhà Quốc hội, diễn ra cuộc họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban chỉ đạo. Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội gồm 16 thành viên, do ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng Ban.

Tại phiên họp, các ý kiến đánh giá, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn của Đề án đã khá đầy đủ. Đó là, Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu: “Bảo đảm hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao”.


Ông Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Đổi mới hiệu quả kỳ họp Quốc hội. (Ảnh: KT)

Các đại biểu cũng nhấn mạnh cơ sở thực tiễn là việc cải tiến, đổi mới hoạt động là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Trong những khoá gần đây và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV vừa qua, tinh thần đổi mới tại các kỳ họp luôn được quan tâm, chú trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt đề nghị: “Đổi mới của kỳ họp Quốc hội là nội dung rất quan trọng. Đổi mới của kỳ họp sẽ tác động đến hoạt động các lĩnh vực khác. Chúng tôi nên nghĩ nên giành nhiều thời gian cho Đề án kỳ họp. Nên xem xét đặt mục tiêu ở kỳ họp thứ 2, thứ 3 sau đó tổng kết, tránh lãng phí, đảm bảo yêu cầu đặt ra”.

Cùng quan điểm cần lựa chọn nội dung thí điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội Phan Viết Lượng cho rằng: “Ban Chỉ đạo tập trung ưu tiên, lựa chọn những nội dung cần thiết để có thể áp dụng trong kỳ họp tới. Lựa chọn 1 số nội dung thí điểm. Còn nghiên cứu đề án trình ra Quốc hội việc lớn, thận trọng. Lựa chọn phương án tốt nhất thì ưu tiên tập trung vào những vấn đề quy trình thủ tục là chủ yếu”.

Tại phiên họp, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cách thức triển khai xây dựng Đề án cần bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ được phân công. Bám sát chủ trương của Đảng, các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đã xác định về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đổi mới, cải tiến kỳ họp. Kế thừa các kết quả tích cực từ việc thi hành Nội quy kỳ họp tại các kỳ họp trước và sự liên thông với các Đề án đổi mới khác đang được triển khai, nghiên cứu. Trước mắt, cần hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2021 để xem xét, báo cáo Quốc hội cho thí điểm triển khai một số vấn đề tại kỳ họp thứ 2 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội quy. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp./.

Lại Hoa/VOV.VN

Chia sẻ bài viết