Tiếng Việt | English

31/10/2017 - 15:47

Phân cấp quản lý di tích: Địa phương gặp khó

Được giao quản lý một số di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) trên địa bàn tỉnh Long An nhưng các địa phương còn gặp khó khăn về nhân sự và kinh phí. Điều này ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị các DTLS...


Di tích Vườn nhà ông Bộ Thỏ “then cài cửa đóng”vì ít khách tìm đến tham quan

Đìu hiu khách tham quan

Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 109 DTLS-VH. Ngày 11/01/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND về việc phân cấp quản lý các DTLS-VH trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định này, tỉnh quản lý 5 di tích và 1 công trình văn hóa có tính lịch sử, gồm: Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Khu DTLS Cách mạng tỉnh và Khu Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Các huyện, thị xã, thành phố được phân cấp quản lý 106 di tích và công trình văn hóa mang tính lịch sử; trong đó có 3 di tích lớn, trước đây do Ban Quản lý DTLS-VH, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, gồm: Ngã tư Rạch Kiến, Nhà Tổng Thận, Nhà Bộ Thỏ.

DTLS Nhà Bộ Thỏ tại ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa từng ghi dấu sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn. Đó là ngày 06/3/1930, đồng chí Võ Văn Tần chủ trì cuộc họp bí mật gồm 7 đảng viên dự. Trong cuộc họp, 7 đảng viên thống nhất tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Đức Hòa. Chi bộ mới do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Sậy làm Phó Bí thư.

Sau khi thành lập, chi bộ ra nghị quyết đầu tiên lấy Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung tuyên truyền và phương hướng hoạt động của Đảng ở địa phương. Dù phong trào cách mạng ở Đức Hòa có từ rất lâu nhưng khi thành lập Chi bộ Đảng, phong trào yêu nước của nhân dân ở đây bước sang thời kỳ mới - thời kỳ có Đảng lãnh đạo. Điều này thể hiện qua cuộc biểu tình kéo dài cả ngày lẫn đêm của hơn 5.000 nông dân đấu tranh chống áp bức, chống thuế. Dù cuộc biểu tình bị đàn áp nhưng địch cũng phải xuống lệnh giảm thuế.

Ghi dấu sự kiện lịch sử này, năm 1994, UBND huyện Đức Hòa xây dựng tại vườn nhà ông Bộ Thỏ một bia tưởng niệm. Năm 2000, Vườn nhà ông Bộ Thỏ được xếp hạng DTLS cấp tỉnh. Sau 5 năm từ ngày khởi công trùng tu, tôn tạo với kinh phí hơn 6 tỉ đồng, hiện tại, di tích hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngày 14/7/2017, Di tích Vườn nhà ông Bộ Thỏ được giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Hòa quản lý. Cũng từ ngày đó, lượng khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử nơi này ít dần. Có chăng là những chuyến Về nguồn của lực lượng đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh,... mà thôi!

Ông Nguyễn Minh Rum, 56 tuổi, ngụ ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng - cháu nội ông Bộ Thỏ, bộc bạch: “Tôi hiến hơn 800m2 đất để trùng tu, tôn tạo di tích với hy vọng nơi này là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Nhưng, từ ngày phân cấp cho huyện quản lý, nơi này thường then cài cửa đóng, ít khách tham quan. Một di tích được trùng tu với kinh phí hàng tỉ đồng nhưng chưa phát huy giá trị, phải chăng là quá lãng phí?”.

Cùng cảnh đìu hiu như Di tích Vườn nhà ông Bộ Thỏ là DTLS cấp tỉnh - Nhà Tổng Thận tại phường 1, TP.Tân An. Nhà Tổng Thận là tư gia của Cai tổng Trần Khắc Thận, quê quán tỉnh Quảng Nam, được xây dựng từ năm 1892. Sau khi giành chính quyền thành công tại tỉnh lỵ Tân An vào ngày 22/8/1945, Nhà Tổng Thận được chọn làm trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An. Nơi đây, Tỉnh ủy tổ chức 3 cuộc hội nghị để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám ở Tân An. Cuối tháng 10/1945, quân Pháp tấn công Tỉnh ủy Tân An. Để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy rút khỏi Nhà Tổng Thận, về Mộc Hóa. Hiện tại, Di tích Nhà Tổng Thận cũng được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng.

Khi hỏi lượt khách tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích Nhà Tổng Thận, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An - Huỳnh Thị Bạch Lan cho biết: “Di tích Nhà Tổng Thận được phân cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố quản lý vào ngày 13/7/2017. Từ đó đến nay, khách đến tham quan di tích rất ít”.

Nếu tình trạng di tích thường xuyên “then cài cửa đóng” như vậy thì những giá trị của một công trình lịch sử sẽ không thể phát huy!


Từ khi giao về cho Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An, mỗi khi có khách tham quan di tích Nhà Tổng thận, Phòng vẫn nhờ nhân viên thuyết minh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ

Cần gỡ khó về nhân sự, kinh phí

Sở dĩ từ khi phân cấp cho huyện, thành phố quản lý, những di tích này dần thưa khách vì khó khăn về nhân sự, kinh phí. Ông Nguyễn Minh Rum - cháu nội ông Bộ Thỏ, cho biết thêm: “Lúc trước, Di tích Nhà Bộ Thỏ do tỉnh quản lý, mỗi khi khách đến tham quan đều có nhân viên thuyết minh. Còn gần đây, khách đến di tích thường liên hệ UBND xã Đức Hòa Thượng. Có nhiều lần, tôi đảm nhận việc thuyết minh vì biết lịch sử của di tích. Nhưng, điều này không hiệu quả. Chẳng hạn, vừa rồi, có đoàn khách từ Hà Nội vào, muốn đến tham quan di tích và liên hệ tôi để tìm hiểu về lịch sử của di tích, nhưng vì có việc riêng, tôi không thể đến. Lúc đó, bảo vệ mở cửa và khách chỉ đi một vòng rồi ra về”.

Cũng theo bà Huỳnh Thị Bạch Lan, Di tích Nhà Tổng Thận từ khi được giao lại cho thành phố quản lý, phòng vẫn nhờ các nhân viên thuyết minh của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ. Tuy nhiên, cứ như thế sẽ không thể chủ động. Vừa qua, có đoàn khách liên hệ đến tham quan di tích, phòng gọi điện thoại nhờ nhân viên của sở thuyết minh nhưng không được và đành hẹn với đoàn dịp khác trở lại. Ngoài ra, kinh phí chi cho các khoản điện, nước, chăm sóc cây cảnh,... ở di tích hiện nay cũng gặp khó khăn.

“Vì vậy, tỉnh cần sớm thống nhất, ban hành phương án chuyển giao nhân sự, kinh phí đối với các DTLS được phân cấp cho địa phương quản lý; trong đó có kinh phí chăm sóc cây xanh và quét dọn. Bởi, hiện tại, Nhà Tổng Thận được cấp gần 3,5 triệu đồng/tháng nhưng tiền lương trả cho 1 bảo vệ hơn 2,7 triệu đồng; còn lại 700.000 đồng không đủ chi các khoản điện, nước, chăm sóc cây cảnh và quét dọn” - bà Lan kiến nghị.

Ở huyện Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Hòa - Phùng Văn Đức chia sẻ: “Từ khi phân cấp, phòng tham mưu UBND huyện giao Trung tâm Văn hóa quản lý, phụ trách thuyết minh”. Tuy nhiên, nhân viên thuyết minh của trung tâm văn hóa là kiêm nhiệm, không thể có mặt thường xuyên nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc phục vụ khách tham quan.

Ngày nào, những nhân sự đảm nhận nhiệm vụ thuyết minh, chăm sóc, quản lý các di tích chưa có thì giá trị di tích chưa thể phát huy. Vì vậy, những khó khăn về nhân sự, kinh phí cần sớm được tháo gỡ!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết