Công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 dự kiến hoàn thành trong năm 2019, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trong toàn tỉnh
Những kết quả khả quan
Một buổi chiều cuối tuần yên bình tại khu vực biên giới, chị Nguyễn Thị Yến Nhi (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và một số hộ dân trong Cụm dân cư Gò Châu Mai cùng nhau đi nhặt rác, quét đường. Công việc diễn ra đều đặn từ nhiều năm nay. Chị nói: “Từ khi Khánh Hưng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã biên giới này có nhiều thay đổi. Để giữ vững danh hiệu, chính quyền địa phương vận động người dân chung tay tham gia các mô hình để nâng chất các tiêu chí. Hơn nữa, tôi thấy đây là việc làm ý nghĩa nên đồng tình hưởng ứng”. Đó là cách làm ở một số địa phương trong tỉnh vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, hiện nay chương trình từng bước đi vào thực chất và bám sát lộ trình với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn tỉnh có 73 xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2020, cả tỉnh có 89/166 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 53,6% tổng số xã trong tỉnh (NQ xây dựng trên 50% số xã đạt chuẩn NTM). Để hoàn thành chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, các địa phương nỗ lực rất lớn trong khi điều kiện, tiềm lực của những xã về đích trong giai đoạn 2016-2020 hạn chế hơn so với những xã trước đây. Hiện tại, những xã được chọn trong lộ trình đang dồn sức cho những tiêu chí khó, tập trung huy động nguồn lực, “chạy nước rút” về đích đúng hẹn.
Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo tiêu chí mới, thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương,... đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần, hiện nay còn 9.108 hộ nghèo, chiếm 2,22%.
Nhắc đến chị Trần Thị Thu Lan (ấp Chánh Nhứt, Long Phụng, huyện Cần Giuộc), nhiều người thán phục bởi ý chí vượt khó, vươn lên thoát nghèo của chị. Lập gia đình khi tuổi đời còn trẻ lại chưa có việc làm ổn định, đến khi 2 đứa con chào đời, cuộc sống vợ chồng chị lâm vào cảnh túng thiếu. Khó khăn càng chồng chất khi chồng chị không may bị bệnh và không thể lao động. Gánh nặng gia đình lại đè nặng lên đôi vai người vợ trẻ. Biết được hoàn cảnh gia đình chị, qua sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị được xét vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Với số tiền này, ban đầu chị thu mua phế liệu, sau đó, mở rộng cơ sở và tạo việc làm cho vài lao động địa phương. Không chỉ thoát nghèo, chị còn có tiền chữa bệnh cho chồng, 2 con của chị tiếp tục đến trường và là học sinh giỏi nhiều năm liền.
Theo UBND tỉnh, phong trào “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Các ngành, đơn vị, địa phương,... tùy vào điều kiện thực tế thực hiện phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm,... Nổi bật là xây dựng được nhiều mô hình giảm nghèo bền vững; giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo của các hội, đoàn thể cấp cơ sở; những cán bộ làm công tác giảm nghèo tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm; sự đồng hành của tập thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân,... cùng đóng góp kinh phí, công sức, trí tuệ để giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong tỉnh.
Phong trào “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trở thành phong trào thi đua sôi nổi (Trong ảnh: Hỗ trợ bò cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn)
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng thông tin, giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh vận động Quỹ Vì người nghèo trên 42,8 tỉ đồng. Từ số tiền đó, tỉnh xây dựng và sửa chữa trên 1.200 căn nhà đại đoàn kết, số tiền hơn 40 tỉ đồng; tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh kém may mắn với số tiền trên 20,6 tỉ đồng.
Riêng Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, từng bước có sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân, bước đầu sản xuất theo quy trình, công nghệ tiên tiến, hình thành và phát triển một số mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác điểm trên 3 cây, 1 con.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết cho biết, toàn huyện có trên 8.200ha thanh long. Thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, huyện triển khai thực hiện đề án, xác định vị trí, ranh giới vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao diện tích 2.000ha, với hơn 5.300 hộ tại 12 xã, thị trấn. Đến nay, địa phương triển khai hơn 1.300ha thanh long ứng dụng công nghệ cao và mang lại kết quả rất khả quan.
Tăng tốc hoàn thành
NQ Đại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X xác định 21 chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH, môi trường và xây dựng Đảng. Đến nay, phần lớn các chỉ tiêu thực hiện tốt, dự báo đến năm 2020 sẽ đạt và vượt. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (năm 2018 GRDP đạt 10,36% (NQ 9-9,5%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2018 đạt 68,34 triệu đồng/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh tăng 1 bậc so năm 2017, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành cả nước, đứng đầu nhóm Tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên rõ nét.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhận định, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt NQ ngay trong năm đầu nhiệm kỳ; sự quan tâm, đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với cấp ủy, chính quyền góp phần cho việc thực hiện NQ đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là việc huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về KT-XH, 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm và công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong tỉnh có sự thay đổi rõ nét (Trong ảnh: Đường quê Châu Thành được bêtông hóa, trồng hoa và lắp đèn chiếu sáng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm)
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt để 21 chỉ tiêu của NQ Đại hội đạt mức tốt nhất, nhất là phấn đấu vượt kế hoạch đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP và tỷ lệ huy động ngân sách trên GRDP. Theo đó, tỉnh tiếp tục phát huy đoàn kết nội bộ và đồng thuận xã hội; quan tâm rà soát, giải quyết căn cơ, hiệu quả những hạn chế trước đây; duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quan tâm đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển công nghiệp, nhất là giao thông, điện, nước gắn với Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng đất đai, xây dựng trái phép. Tích cực kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Tạo chuyển biến tích cực trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững, ổn định quốc phòng - an ninh, nội chính. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với NQ Trung ương 4 (khóa XII), các quy định nêu gương...
Nguyệt Nhi