Tiếng Việt | English

19/12/2015 - 17:28

Phát huy dân vận khéo để khơi dậy sức mạnh nhân dân

Dân vận khéo là một chủ trương đúng đắn đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, là tiền đề thuận lợi để tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn. Đó là đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 3040/QĐ-UBND, ngày 19-11-2009 về thi đua “dân vận khéo” giai đoạn 2010-2015 vào ngày 18-12-2015.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Qua đánh giá, thực hiện 10 nội dung của Quyết định 3040 của UBND tỉnh về thi đua “dân vận khéo” đã tác động mạnh mẽ đến các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh; khơi dậy sức mạnh trong nhân dân, hình thành nhiều mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực. Qua đó, đã giải quyết khá tốt mối quan hệ giữa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Long An.

Từ dân vận khéo, chức năng giám sát của nhân dân được phát huy, nhất là giám sát trong các công trình hạ tầng nông thôn, những công trình có sự đóng góp của dân. 5 năm qua, người dân tham gia giám sát gần 5.100 công trình và kiến nghị gần 950 nội dung.

Với cuộc vận động vì người nghèo giai đoạn này, các ngành, các cấp, các tổ chức đã vận động được trên 83,7 tỷ đồng, triển khai xây dựng 4.071 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 429 căn cho hộ nghèo.

Công tác dân vận khéo đã góp phần giảm tỷ lệ tranh chấp khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Đồng thời còn huy động được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây các công trình tại các xã điểm Về nguồn.

Thực hiện thi đua “dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: hiến đất làm đường, thu gom rác thải, hũ gạo tình thương, góp vốn xoay vòng, tiếp sức cho học sinh đến trường, nhà sạch - ngõ đẹp…

Từ thực hiện dân vận khéo mà người dân đã hiến đất làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn 

Sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện

Bà Lê Thị Chi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lân, huyện Cần Đước chia sẻ: “Thực hiện công tác dân vận khéo giai đoạn 2010-2015, Hội LHPN xã đã vận động gia đình hội viên phụ nữ đóng góp được 3,2 tỷ đồng và hiến 94.000m2 đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông ở các ấp của xã”.

Thời gian qua, Hội LHPN xã Tân Lân thực hiện tốt “dân vận khéo” là nhờ có sự chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khi triển khai thực hiện phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu nữa là thực hiện tốt dân chủ, tôn trọng lắng nghe dân, hội viên.

Bà Trần Thị Lý – Bí thư Chi bộ ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa cho rằng, muốn thực hiện dân vận khéo đạt hiệu quả cao thì mọi việc làm đều phải xuất phát từ lợi ích của dân. Những người làm công tác dân vận phải linh hoạt, sáng tạo, khéo léo, mềm mỏng, kiên trì. Trong thực hiện dân vận khéo cần phát huy được những người uy tín ở địa phương.

Thực hiện phong trào dân vận khéo giai đoạn 2010-2015, TP.Tân An đã xây dựng được 375 mô hình phát huy hiệu quả cao. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu ở các lĩnh vực. Đặc biệt, thành phố rất thành công trong thực hiện mô hình dân vận khéo về xây dựng đô thị văn minh và chương trình cho người có thu nhập thấp trên địa bàn.

“Ngoài thực hiện dân vận khéo cũng phải kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, nhân rộng các điển hình. Có như vậy mới thúc đẩy phong trào thi đua dân vận khéo phát triển và có sức lan tỏa trong cuộc sống. Đó cũng chính là cách làm của thành phố” - ông Trần Minh Sang, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Tân An nhấn mạnh.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Long An chỉ ra rằng, thời gian qua, lực lượng biên phòng tỉnh đạt nhiều kết quả trong thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo. Cụ thể là vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới gắn với mô hình “tiếng kẻng vùng biên”, “tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Long Khốt”.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, đến nay có 3.968 hộ đăng ký tham gia tự quản đường biên, 1.226 hộ người đăng ký tham gia tự quản mốc giới và có 383 tổ đăng ký tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới. Qua phong trào đã xây dựng được những mô hình hay, sáng tạo, từ đó có những cách nghĩ, cách làm mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh – Đỗ Hữu Lâm nhấn mạnh: “Thực hiện thi đua dân vận khéo có thể kết hợp, lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác nhưng phải tránh chồng chéo, trùng lặp. Trong thực hiện cần theo dõi, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình dân vận khéo”.

Tổng kết 5 năm thực hiện thi đua “dân vận khéo” giai đoạn 2010-2015, tỉnh Long An có 2 cá nhân, 3 tập thể được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tặng bằng khen cho 40 tập thể, 45 cá nhân.

 Lê Đức

Chia sẻ bài viết