Tiếng Việt | English

19/08/2021 - 10:10

Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng và phát triển quê hương

76 năm trôi qua nhưng tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn.

Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển (Ảnh tư liệu)

Dấu son lịch sử

Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành quyền độc lập đã tới. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền; thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư - Trường Chinh phụ trách. Ngay trong đêm 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.

Thời điểm phát động cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, một con số rất nhỏ bé so với tổng số dân nước ta lúc đó. Nhưng Đảng ta là một Đảng tiên phong cách mạng, có đường lối đúng đắn, đã huy động được sức mạnh quật khởi của toàn dân, khôn khéo cô lập 10 vạn quân phát xít Nhật, vô hiệu hóa tất cả phe phái chính trị phản động, lãnh đạo hàng triệu quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sáng ngày19/8/1945, hàng chục vạn nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít-tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc bộ phủ (Ảnh tư liệu: Internet)

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25/8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn. Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị gần 100 năm bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thật sự thuộc về tay nhân dân ta.

Ở Nam kỳ, được tin phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, Xứ ủy liền triệu tập nhiều cuộc họp từ ngày 17 đến 20/8 tại Chợ Đệm, quyết định đưa Việt Minh ra công khai; đồng thời, lấy ngày 23/8/1945 tiến hành khởi nghĩa thí điểm ở Tân An. Chấp hành quyết định của Xứ ủy, Tỉnh ủy Tân An họp khẩn cấp, ra “Nghị quyết đỏ”. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh về chỉ đạo khởi nghĩa tại tỉnh Tân An.

Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng Thổ dậy. Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng. Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nước ta trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền.

Quê hương đổi mới

Cách mạng Tháng Tám thành công để lại bài học quý báu, nhất là bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc của Cách mạng Tháng Tám đã được kế thừa và phát huy sau khi đất nước hòa bình và đặc biệt trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Nông thôn đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, với tư duy sáng tạo, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, Long An thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. KT-XH phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.

6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,06%. Đây là mức tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng nhưng cao hơn so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,34%) và là mức tăng trưởng tương đối tốt trong vùng, đứng thứ 3/13 các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4/8 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 103/161 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt xã NTM nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 2 trong vùng (chỉ sau TP.Cần Thơ).

Phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, bà Lê Thị Hương, ngụ ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, bộc bạch: “Những năm đầu sau giải phóng, đường sá đi lại khó khăn, sình lầy. Việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Trường học, trạm y tế thiếu thốn. Đời sống người dân muôn phần vất vả. Ấy vậy mà nay, đường nhựa, bêtông rộng rãi nối liền từng xóm, ấp. Trẻ em được học tập trong những ngôi trường khang trang. Sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt hơn. Bộ mặt nông thôn thật sự đổi thay, nhất là từ khi có chương trình XDNTM”.

Sau 35 năm đổi mới, từ sản xuất lúa 1 vụ, Long An phát triển những cánh đồng ứng dụng công nghệ cao, trở thành vựa lúa của khu vực

Không chỉ phát triển về nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cũng có sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả tốt. 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập, số vốn đăng ký, doanh nghiệp hoạt động lại và số vốn đầu tư dự án FDI tăng so cùng kỳ; nổi bật là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Long An I và II với vốn đăng ký hơn 3 tỉ USD. Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.500 tỉ đồng, đạt 80% dự toán HĐND tỉnh giao.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng KT-XH của tỉnh vẫn đạt những kết quả khả quan. Đây là thành quả, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui mừng vì dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Người dân cũng được quan tâm chăm lo, hỗ trợ kịp thời. Với nhiều biện pháp quyết liệt như hiện nay, tin rằng, tỉnh ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn”.

Dù thời gian có đổi thay nhưng giá trị vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc. Phát huy hào khí đó, kế thừa truyền thống của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững./.

Dù thời gian có đổi thay nhưng giá trị vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc. Phát huy hào khí đó, kế thừa truyền thống của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững”.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết