Tham nhũng (TN) gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển KT-XH của đất nước.
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý những người có hành vi TN, tiếp tay cho TN, cản trở việc PCTN theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, phòng ngừa là chính, phát hiện, xử lý là cấp bách. Cần có cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”,... Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn một cách hiệu quả, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể TN; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám TN.
Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
Đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Vì vậy, phải phát huy hơn nữa tính gương mẫu của người đứng đầu. Xây dựng quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý TN và hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra TN. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN./.
Trần Nguyên