Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận, cùng sự phối hợp tích cực của các tổ chức thành viên, sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Long An lần thứ VIII đề ra đều đạt và vượt, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên; công tác giám sát, phản biện được triển khai thực hiện góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày trong sạch, vững mạnh.
Việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trọng tâm là thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam” thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo được sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh. Phối hợp và phát huy tốt vai trò đoàn kết của các tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động bảo trợ xã hội, tuyên truyền, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Gặp gỡ kiều bào và thân nhân kiều bào để thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời thông báo về tình hình tỉnh nhà, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Duy trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở 100% khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hàng năm (18-11) đã thực sự trở thành phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở 100% khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hàng năm (18/11) đã thực sự trở thành phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, góp phần tạo động lực để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại của địa phương. Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát huy được tính cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa,... Trong nhiệm kỳ, đã vận động xã hội hóa xây dựng, sửa chữa 358 cầu bêtông, trị giá hơn 111,3 tỉ đồng; nâng cấp và sửa chữa, bêtông hóa 258,5km đường, trị giá hơn 118,61 tỉ đồng; đóng góp tiền, hiến đất, vật dụng làm công trình trị giá hơn 1.848 tỉ đồng. Mặt trận tổ chức đánh giá lấy ý kiến sự hài lòng của của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Trong nhiệm kỳ, Quỹ Vì người nghèo 3 cấp vận động được 82,47 tỉ đồng (cấp tỉnh 9,07 tỉ đồng); kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp người nghèo 30,87 tỉ đồng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phối hợp tổ chức 98 phiên chợ hàng Việt và xúc tiến thương mại; cấp huyện, xã duy trì 700 phiên chợ hàng Việt. Vận động các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt khi có nhu cầu mua sắm, không sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt các xã biên giới không tiếp tay cho những người buôn lậu, vận chuyển hàng qua biên giới. Phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” triển khai đến tận cơ sở; phối hợp các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân về nội dung phong trào gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Có thể khẳng định nhiệm kỳ 2014-2019 là giai đoạn phát triển mới trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Thực hiện tốt quy định của Đảng về “MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận phối hợp tổ chức các diễn đàn để người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đối thoại với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn của địa phương, giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở. Triển khai thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phối hợp hiệp thương, lựa chọn người đủ tiêu chuẩn giới thiệu để HĐND bầu làm Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021. Công tác giám sát đã có chuyển biến quan trọng, cấp tỉnh chủ trì 7 cuộc; cấp huyện chủ trì giám sát 95 cuộc; cấp xã chủ trì giám sát 935 cuộc. Hoạt động phản biện xã hội tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; Nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận có chất lượng tốt, bảo đảm tính khoa học, tính pháp lý và phù hợp thực tiễn. Hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Mặt trận, thông qua phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tích cực trong bầu trưởng ấp, khu phố; công tác hòa giải ở cơ sở; vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước ở khu dân cư. Việc tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị có nhiều đổi mới và đi vào nền nếp. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn.
Việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân, thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về kết nghĩa xã - xã biên giới Việt Nam - Campuchia, đã có 100% xã ký kết và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa nhân dân các xã biên giới. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại chung của tỉnh. Tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hòa bình, bảo vệ và giữ gìn đường biên, mốc giới và hỗ trợ lẫn nhau trong giảm nghèo, kinh nghiệm sản xuất, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thực hiện Đề án đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Long An,
UBMTTQ các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, thu hút thêm nhiều thành viên mới. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn và các lực lượng cộng tác viên. Hệ thống tổ chức cán bộ cơ quan chuyên trách của Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên về chất lượng, bảo đảm tinh gọn. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, tạo động lực thúc đẩy phong trào từ cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên chưa thực sự đủ mạnh, một số nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; trong tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Mặt trận ở đầu nhiệm kỳ một vài nơi chậm đổi mới. Công tác vận động hỗ trợ giảm nghèo bền vững chưa cao. Phong trào “Đoàn kết sáng tạo” chưa thực sự hiệu quả, công tác giám sát của Mặt trận còn một số khó khăn ở cấp cơ sở, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng.
Trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tập trung thực nhiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát huy tinh thần đoàn kết, vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Tăng cường đoàn kết quốc tế, tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước theo phương châm “Chủ động, sáng tạo, hiệu quả”; mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội.
Thường xuyên củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò của cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đồng thuận - Phát triển”, hệ thống Mặt trận trong tỉnh quyết tâm cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
UBMTTQ tỉnh Long An