Tiếng Việt | English

25/09/2023 - 10:20

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Theo Người, “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.

Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân” và thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Đặc biệt, qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa,... tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai sâu, rộng, đã làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của của Đảng ta thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được củng cố và tăng cường, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sẵn sàng xả thân vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhất là trong đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang, lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Hiện nay, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, bên cạnh những thời cơ, chúng ta cũng đang đối diện với những thách thức không nhỏ, nhất là các thế lực thù địch đang chống phá quyết liệt, vì vậy, hơn lúc nào hết, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đồng lòng, chung sức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, phải “tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”.

Thời gian tới, để xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình tuyên truyền, cần phát huy những yếu tố tương đồng, cố gắng tìm ra mẫu số chung của mọi giai cấp, tầng lớp; quy tụ sức mạnh của các bộ phận cấu thành dân tộc ta nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bên cạnh đó, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội; tổ chức và động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân.

Mặt khác, cần tăng cường công tác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ và các tổ chức thành viên cần tuyên truyền sâu, rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch; nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể theo hướng sát dân, hướng về cơ sở, đáp ứng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể; phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, đưa đất nước phát triển. Song song đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể; chú trọng việc phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung.

Ngoài ra, cần khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là tiền đề để mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Ths.Trần Văn Toàn (Trường Chính trị Lê Duẩn)

Chia sẻ bài viết