Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và truyền thống trung dũng, kiên cường, tỉnh đạt nhiều thành tựu (Trong ảnh: Cảng Quốc tế Long An - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long)
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt
Cách mạng Tháng Tám thành công đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta chịu ách đô hộ của thực dân, phát xít. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Góp vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An (nay là tỉnh Long An) thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, tự cường, lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa và giành toàn thắng tại tỉnh lỵ Tân An.
Ba ngọn tầm vông vạt nhọn - biểu tượng Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An)
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930 - 2000) có ghi: Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An. Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng.
Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”.
Tỉnh Chợ Lớn (quận Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Trung Quận xưa, ngày nay phần lớn địa bàn thuộc tỉnh Long An) với vị trí đặc biệt gắn liền với Sài Gòn nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành cùng ngày với Sài Gòn theo chủ trương của Xứ ủy. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An thắng lợi rực rỡ, vượt kế hoạch của Xứ ủy đề ra một ngày. Điều đó đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các địa phương xung quanh như Trung Quận, Cần Đước, Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn) và Chợ Gạo, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho),…
Thắng lợi đó đánh dấu một trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân hai tỉnh Tân An - Chợ Lớn. Từ đây, cùng với cả nước, nhân dân hai tỉnh thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, tự mình làm chủ vận mệnh, xây dựng cuộc sống mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Long An là địa bàn chiến lược của ta lẫn của địch. Được xem là chiến trường hết sức ác liệt, diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa 2 bên trong sự không cân sức giữa ta và địch. Nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Long An tạo thế và lực mới, làm nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, góp phần giành toàn thắng cùng miền Nam và cả nước.
Trên quê hương đổi mới
Sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, kế thừa truyền thống “Trung dũng kiên cường”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần hình thành và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn có tính đột phá. Đó là xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thực hiện chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, triển khai các chương trình trọng điểm về KT-XH, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp,...
Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, được sự quan tâm của Trung ương, sự hỗ trợ, đồng hành của doanh nghiệp, đồng thuận của người dân cùng quyết sách đúng đắn, tỉnh đã sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường, KT-XH được phục hồi và phát triển.
Là người lính trinh sát, lập không ít chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) dặn dò thế hệ trẻ phải trân trọng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ông Năm nói: “Quê hương mình giờ nhiều đổi mới, huyện Cần Giuộc cũng có sự “chuyển mình” vượt bậc. Mảnh đất miền hạ hoang hóa, nhiễm mặn, kinh tế kém phát triển năm nào giờ đây đã phủ lên màu xanh no ấm. Trong khi vùng thượng của huyện, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, vùng hạ lại tập trung phát triển công nghiệp, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, khi Cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động và gần đây nhất là hợp long 7 cầu cảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Cầu Đúc Tân An được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử. Cầu được xây mới lại từ năm 2017
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 16.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó, có trên 11.800 doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng vốn đăng ký trên 362.500 tỉ đồng. Nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động,… thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần phát triển KT-XH. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, tỉnh không còn xã nghèo và tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Long An rất cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, nhất là các nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy phát triển KT-XH, định vị vị trí của tỉnh trên cả nước.
Ngày 13/6/2023, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Điểm nhấn đặc biệt trong thời gian gần đây là tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - bản Quy hoạch là cơ sở định hướng thu hút đầu tư.
Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký 40.400 tỉ đồng. Đây là tiền đề, “cú hích” lớn để tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Với trách nhiệm giữ gìn và phát huy những chiến công của các thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ viết tiếp những trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Song Nhi