Tiếng Việt | English

14/07/2015 - 21:15

Phát triển cần thích ứng với biến đổi dân số

Ngày 14-7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với biến đổi dân số”, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng đối với việc hoạch định chính sách phát triển của nước ta trong thời gian tới.

 Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc phát biểu ý kiến

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Y tế tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Trong vài thập kỷ qua, nhờ làm tốt việc giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với hơn 62 triệu người (chiếm 69% dân số) đang ở trong độ tuổi lao động. Tuổi thọ trung bình khi sinh của Việt Nam hiện nay là 73,2 tuổi.

Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân như hiện nay, Việt Nam được coi là một thị trường lớn, đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Đó là các vấn đề trong việc tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc nói: “Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2010, đó là cứ hai người trong độ tuổi lao động thì có một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên). Tuy nhiên, “vàng” không tự chuyển hóa thành lợi tức cho nền kinh tế Việt Nam”.

Bà cho biết, Việt Nam cần phải có các chính sách phát kịp thời và đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào vì nguồn nhân lực sẽ giảm sau năm 2040. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ không thể tận dụng được cơ hội dân số vàng nếu không cải thiện được năng suất lao động.

Số liệu từ Tổng Điều tra Dân số năm 2009 và các cuộc khảo sát dân số quy mô rộng cho thấy Việt Nam đã đạt các mục tiêu về dân số khá ấn tượng. Trung bình toàn quốc, mỗi phụ nữ Việt Nam chỉ có hai con trong cuộc đời của mình. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế. Thành tựu về giảm tử vong bà mẹ và tử vong ở trẻ em của Việt Nam rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khác biệt lớn giữa các địa phương. Tình trạng bất bình đẳng và khác biệt này đang ngày càng gia tăng, kèm theo đó là những hình thức nghèo và tổn thương mới, yêu cầu phải có sự quan tâm lớn hơn từ các nhà hoạch định chính sách trong những năm tới.

Theo các chuyên gia quốc tế, những bằng chứng nghiên cứu tình hình các quốc gia cho thấy mức sinh ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm cho dù đã duy trì ở mức mỗi phụ nữ có hai con trong vòng 10 năm gần đây. Đó là vì mức thu nhập, trình độ giáo dục và tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng tăng.

May mắn cho Việt Nam là không cần phải áp dụng chính sách khuyến sinh, nhưng đây là cơ hội để chính sách dân số Việt Nam hướng đến hỗ trợ các cá nhân và cặp vợ chồng thực hiện hiệu quả quyết định sinh sản của mình, cho dù đó là sinh thêm con hay ngừng không sinh con nữa.

Theo các chuyên gia, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nguồn nhân lực, một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của quốc gia.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Đinh Văn Cương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Mặc dù Việt Nam đạt được những thành công quan trọng, chúng ta đang đối mặt với các vấn đề mới như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng cuộc sống của người dân, di cư và đô thị hóa nhanh chóng. Bây giờ là lúc Việt Nam cần chuyển hướng chính sách dân số từ chỗ chỉ đặt trọng tâm vào kiểm soát sinh sang trọng tâm gắn dân số với tất cả các mặt của phát triển, lồng ghép dân số vào lập kế hoạch phát triển nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phát triển bền vững".

Kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ giúp cho các nhà lập pháp và hoạch định chính sách có được thông tin và bằng chứng khoa học từ nghiên cứu và từ kinh nghiệm thực tế của các quốc gia đã trải qua những giai đoạn biến đổi dân số tương tự Việt Nam. Những khuyến nghị chính sách được chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp đặt nền móng cho một chính sách dân số và phát triển toàn diện để giải quyết các thách thức và tận dụng các cơ hội do biến đổi dân số ở Việt Nam mang lại.

Các chuyên gia quốc tế đến từ Úc, Mỹ, Đài Loan và Thái-lan để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các nước trong khu vực. Các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan đến dân số, xu hướng nhân khẩu học, và tác động của sự biến đổi dân số đến phát triển bền vững, trao đổi kinh nghiệm của các nước trong việc triển khai các chính sách thích ứng với già hóa dân số; tận dụng cơ hội dân số vàng và tận dụng biến động dân số trong lập chính sách phát triển kinh tế - xã hội./.

HÀ HỒNG HÀ/Theo Nhân dân điện tử

Chia sẻ bài viết