Tiếng Việt | English

09/06/2022 - 09:02

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), thời gian qua, ngành Nông nghiệp Long An triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động NTTS, giúp người dân sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, tổng diện tích NTTS toàn tỉnh là trên 4.165ha, đạt 45,1% kế hoạch, bằng 105,3% so cùng kỳ năm 2021. Riêng con tôm nước lợ, từ đầu năm 2022 đến nay, nông dân đã thả nuôi nhiều đợt với tổng diện tích hơn 3.890ha, trong đó, thu hoạch gần 2.430ha; năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha, tổng sản lượng trên 7.900 tấn, đạt 49,8% kế hoạch, bằng 108,9% so cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, toàn tỉnh ghi nhận trên 123ha tôm bị thiệt hại, trong đó, thiệt hại phải thu hoạch sớm trên 92ha và mất trắng khoảng 31ha.

Nuôi tôm công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống

Ông Phùng Minh Thành (ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cho biết: “Vụ vừa rồi, cả 6 ao nuôi tôm thẻ của gia đình tôi đều bị thiệt hại do bị bệnh phân trắng nên phải thu hoạch sớm. Cùng với đó, việc giá tôm giống, thức ăn và dụng cụ phục vụ việc nuôi tôm tăng cao đã gây khó khăn không nhỏ cho người nuôi tôm chúng tôi”.

Được biết, ông Thành vừa thả nuôi lại vụ mới trên diện tích gần 15.000m2 (6 ao nuôi). Theo ông Thành, điều người nuôi tôm cần nhất hiện nay là sự hỗ trợ về con giống. Bởi, nếu con giống không đạt chất lượng thì tôm rất dễ bị bệnh và chậm lớn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện thả nuôi hơn 853ha tôm, đạt 60,9% kế hoạch, trong đó phần lớn là tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, do thời tiết bất lợi, dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích ao nuôi khiến người nuôi phải thu hoạch sớm, cùng với đó, chi phí sản xuất tăng nên nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, thậm chí nhiều hộ “treo ao”.

Từ năm 2017, người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tự chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi cá tra giống và việc nuôi cá tra giống phát triển đến năm 2019 với trên 3.500ha. Việc bùng phát nuôi cá tra dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên giá cá tra xuống thấp, nhiều nông dân thua lỗ nặng, thậm chí lâm cảnh nợ nần. Đến nay, diện tích nuôi cá tra của vùng Đồng Tháp Mười chỉ còn gần 560ha. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cá tra giống dao động từ 12.000 - 29.000 đồng/kg, với giá bán này, người nuôi có lãi khá.

Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hỗ trợ người nuôi tôm

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: “Từ năm 2017, trên địa bàn huyện có 696 hộ dân tự ý chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao ươm cá tra bột, với diện tích trên 1.267ha. Trong quá trình ươm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả thị trường bấp bênh, người dân bị thua lỗ phải “treo ao”, nhiều hộ đã san lấp để trồng lúa. Đến nay, diện tích nuôi cá tra bột trên địa bàn huyện còn khoảng 400ha với 223 hộ nuôi, năng suất trung bình đạt từ 5-10 tấn/ha”.

Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Hợp tác xã hiện có 30 thành viên với 60ha mặt ao ươm cá tra bột. Trong đó, có 25ha liên kết với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, giá bán dao động từ 22.000 - 27.000 đồng/kg (tùy thời điểm và kích cỡ con giống), cao hơn giá thị trường từ 1.500-2.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng/tấn”.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ năm 2018, một vài hộ nông dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa nhận thấy con tôm thẻ nước mặn ở một số nơi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây lúa nên đầu tư nuôi tôm thẻ.

Đồng Tháp Mười là khu vực được ngọt hóa để chuyên sản xuất lúa, vì vậy muốn chuyển sang nuôi tôm thì phải khai thác nước ở tầng nông để lấy nước lợ nuôi tôm. Khi vài hộ thu hoạch thắng lợi, nhiều diện tích lúa trong khu vực đã được nông dân chuyển thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, tại 4 huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, có vài trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 475ha, tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Hưng và Mộc Hóa. Bên cạnh những hộ nuôi hiệu quả thì cũng có không ít hộ bị thua lỗ, nguyên nhân chính là thiếu kinh nghiệm nuôi tôm nước mặn và khả năng xử lý nguồn nước, ứng phó với diễn biến thời tiết chưa cao.

Hướng tới phát triển bền vững

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển NTTS bền vững, thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, địa phương cần nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng giống thủy sản, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học sử dụng vào NTTS. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến ngư và chuyển giao công nghệ sản xuất, nhân rộng các mô hình NTTS hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng và phương thức NTTS. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu để ngành NTTS trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Người nuôi cá sử dụng chế phẩm sinh học để phòng, chống bệnh trên cá

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn thông tin, ngành Thủy sản tỉnh đã và đang tập trung phát triển NTTS với các đối tượng chủ lực: Tôm thẻ chân trắng, thủy sản nước ngọt,…; đồng thời, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quản canh kết hợp, hướng đến xây dựng các vùng nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành tập trung phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, giống sạch bệnh, giống tăng trưởng nhanh và có khả năng kháng bệnh; ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng phát triển bền vững, cũng như phát triển nuôi thêm các loài thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

“Đặc biệt, ngành Thủy sản tỉnh khuyến cáo người dân nên ưu tiên phát triển các mô hình NTTS theo hướng công nghệ cao, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhân rộng các mô hình nuôi hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản như VietGAP, GlobalGAP,...” - ông Toàn thông tin thêm.

Giá thức ăn tăng gây khó khăn cho người nuôi thủy sản

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, để phát triển NTTS bền vững, các địa phương cần thường xuyên rà soát, đánh giá lại hiệu quả nuôi trồng đối với các loài thủy sản. Qua đó, vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh nuôi, trồng các loài có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Song song đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh phát triển NTTS theo chiều sâu, liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào đến đầu ra sản phẩm, trong đó, lưu ý không sử dụng các kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ trình UBND tỉnh xét duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả và thủy sản nước ngọt khu vực Đồng Tháp Mười. Thông qua đề án này, tỉnh sẽ có những khuyến cáo cụ thể về vùng nuôi, đối tượng thủy sản được nuôi và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng loài thủy sản tại khu vực Đồng Tháp Mười. Riêng đối với con tôm nước lợ tại khu vực Đồng Tháp Mười, ngành đã phối hợp các địa phương khuyến cáo và cho người dân ký cam kết giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng thêm diện tích; đồng thời, phân công đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi, lấy mẫu phân tích, đánh giá về những tác động của việc nuôi tôm thẻ chân trắng đối với môi trường xung quanh nhằm tránh những hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài” - ông Truyền cho biết thêm./.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các địa phương cần thường xuyên rà soát, đánh giá lại hiệu quả nuôi trồng đối với các loài thủy sản. Qua đó, vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh nuôi, trồng các loài có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Song song đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu, liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào đến đầu ra sản phẩm, trong đó, lưu ý không sử dụng các kháng sinh cấm trong quá trình nuôi”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết