Sáng 26/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tập trung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm nay.
Chính phủ đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề nóng nổi lên hiện nay, nhất là liên quan đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; an toàn vệ sinh thực phẩm; gói tín dụng 30.000 tỷ; quy định đấu thầu giá thuốc và thiết bị y tế…
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ bày tỏ đồng tình với nhận định: kinh tế - xã hội Quý I đã đạt một số kết quả với nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn so với cùng kỳ và Việt Nam đã xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP, tăng trưởng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng khu vực nông, lâm, nghiệp và thuỷ sản giảm hơn 1,2% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán và mặn xâm nhập.
Dự báo với tình hình như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Đây là thách thức lớn đối với Chính phủ.
Các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến, biện pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại và những vấn đề phức tạp mới nảy sinh liên quan đến sớm hỗ trợ các địa phương bị thiên tai 538 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các hộ dân nguy cơ thiếu đói; điều chỉnh quy định đấu thầu tập trung khiến nhiều bệnh viện có tiền mà không mua được thiết bị y tế và giá thuốc đấu thầu vẫn còn cao; nhiều dự án hạ tầng lớn đang bế tắc vì các quy định điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Trước thông tin còn nhiều ý kiến khác nhau về gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục các chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng nói: “…Về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi sang Ngân hàng nhà nước và có văn bản gửi Chính phủ xin kéo dài gói này cho đến khi thực hiện xong, hiện nay có khoảng 85% cam kết thực hiện và nếu tiếp tục sẽ xong trong năm 2016. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cơ bản thống nhất như thế. Trong thời gian này, Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Xây dựng xây dựng chính sách tín dụng nhà ở xã hội theo Luật nhà ở quy định. Trong luật nhà ở có yêu cầu Chính phủ giao cho Ngân hàng chính sách xã hội và chỉ định một số tổ chức tín dụng cho vay với lãi xuất ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong đó nhà nước có hỗ trợ và trong Nghị định về phát triển nhà ở xã hội cũng như vậy…”.
Một vấn đề bức xúc dân sinh hiện nay cũng đã rất nóng trong phiên họp Chính phủ sáng nay, đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nêu quan điểm: “…Tôi đề nghị phải có biện pháp kiên quyết ngay, tôi đề xuất như thế này. Thứ nhất báo báo Thủ tướng cho thành phố thí điểm thành lập một cơ quan trực thuộc UBND thành phố để lo việc này chứ bây giờ cứ Bộ nọ đổ Bộ kia rồi sở nọ đổ sở kia là không làm được. Báo cáo với Thủ tướng là hỏi tới ai cũng không chịu trách nhiệm hết, cuối cùng người dân cứ phải ăn bẩn và không ai chịu trách nhiệm. Thứ 2 nữa là cho tăng cường các chế tài xử phạt. Thứ 3 là quy trách nhiệm, khi đã có đầu mối rồi, từng khâu từng công đoạn anh nào làm anh đó chịu trách nhiệm và xử rất nặng.…”
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, khó khăn, bám sát diễn biến tình hình, chức năng nhiệm vụ được giao để kịp thời đề ra các chính sách phản ứng kịp thời với những nảy sinh trong thực tiễn.
Thủ tướng đề nghị sắp tới, Chính phủ cần sớm kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết liệt hành động, phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KTXH đã đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là hiện tượng El Nino đang gây ảnh hưởng lớn đối với sản xuất nông nghiệp cần phải xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đây cũng là một trong những trọng tâm của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trước mắt tôi đề nghị các đồng chí tập trung chỉ đạo không để thiếu nước cho hàng triệu người dân, bây giờ hàng triệu người rồi và không để người dân nào bị đói, nhất là do mất mùa rồi nông dân ở vùng sâu, vùng xa; rồi chỉ đạo chuyển dịch mùa vụ sản xuất thế nào cho phù hợp với từng vùng. Còn chống xâm nhập mặn cái này đã có quy hoạch, kế hoạch của bộ nông nghiệp rồi, đề nghị các bộ tài chính, kế hoạch cùng bộ nông nghiệp tính toán kế hoạch đầu tư trung hạn, trái phiếu Chính phủ để thực hiện các công trình này. Vốn Trung ương, vốn địa phương trong đó kế hoạch đầu tư trung hạn, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư những công trình cấp bách này ứng phó với biến đổi khí hậu …”
Thủ tướng chỉ đạo phiên họp
Với tinh thần dứt khoát không để người dân nào vùng thiên tai bị khát, bị đói, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ký ngay quyết định về kinh phí hỗ trợ cho các địa phương bị hạn hán.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tổng hợp trình phương án hỗ trợ gạo cho các hộ dân nguy cơ thiếu đói nhưng phải đúng đối tượng. Bộ Y tế kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu đề xuất lập tổ chức, đơn vị mới để chủ động sản xuất vaccine trong nước cũng như tranh thủ nguồn vốn ODA trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tăng cường đề cao trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, tập trung thực thi đồng bộ, hiệu quả chính sách pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với trách nhiệm giám sát của các bộ ngành liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cuộc sống ngày càng tăng lên, thu nhập ngày càng tăng lên, đời sống ngày càng cải thiện, dân trí ngày càng cao, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì nhu cầu về ăn sạch, không chỉ phải ngon nữa mà ăn sạch, ăn có chất lượng cao ngày càng tăng lên. Bây giờ chúng ta cố gắng tập trung làm cái này. Luật pháp có rồi, trách nhiệm sở ngành cũng đã phân công rồi, bây giờ chính quyền địa phương cố gắng chỉ đạo còn trên bộ kiểm soát. Còn vướng thuộc về cơ chế chính sách thuộc về bộ, còn tổ chức thực hiện thì là chính quyền địa phương, thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện. Còn chỗ đề nghị của anh Thăng, đồng ý cơ chế thành lập 1 đơn vị thuộc UBND để thực hiện cái này. Tất nhiên là phối hợp các sở để chỉ đạo thôi, giao cho ai đầu mối, chứ y tế không thể làm thay nông nghiệp, nông nghiệp không thể làm thay y tế. Giờ lập một tổ chức thuộc tỉnh, thành phố nhưng đừng tăng biên chế để mình làm, đôn đốc, kiểm tra, để mình thực hiện cái này…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát và đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ bế tắc đối với một số dự án hạ tầng lớn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư; các bộ trưởng, trưởng ngành rà soát các văn bản quy định dưới luật còn nợ đọng để tập trung giải quyết dứt điểm cũng như thống nhất với Bộ Tư pháp về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát và hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ cũng như rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; tăng cường triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống cháy- nổ, tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế gắn với kiểm soát chi tiêu ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm.
Bộ Công thương đẩy mạnh mở rộng thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Bộ Y tế tập trung chỉ đạo và triển khai các biện pháp không để dịch bệnh do vi rút Zika bùng phát.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ liên quan nắm chắc diễn biến tình bình Biển Đông để báo cáo trung ương các đối sách trước mắt, lâu dài và phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội...
Với kết quả tích cực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực, gắn với ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử và nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức….
Thành viên Chính phủ chụp ảnh lưu niệm
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 là phiên họp đặc biệt, vì sau phiên họp này 20/27 thành viên Chính phủ sẽ không tham gia Chính phủ, trong đó có 15 đồng chí nghỉ theo chính sách và 5 đồng chí chuyển công tác khác.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia tư vấn đã ủng hộ và tạo điều kiện để Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Trong gần 10 năm qua, Chính phủ đã đoàn kết, chung sức đồng lòng trước nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các đồng chí tiếp tục công tác phát huy và hoàn thành trọng trách cao cả mà Đảng và Nhà nước giao…./.
Thành Chung/VOV.VN