Sáng nay (2/4), tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1962-2017). Dự lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các thế hệ lãnh lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Học viện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương, được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Tuyên huấn, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học Nhân dân. Từ một trường bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí xuất bản của Đảng, đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trở thành một trường Đảng, Trường Đại học trọng điểm quốc gia. Đồng thời là trung tâm khoa học lớn, có uy tín, đang từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Từ chỗ chỉ có 2 khoa khi mới thành lập, đến nay Học viện có 18 khoa, đào tạo 32 chuyên ngành cùng 19 chuyên ngành đào tạo cao học và 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Đội ngũ, giảng viên của Học viện hơn một nửa có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên viên cao cấp. Những năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước gần 70.000 cán bộ lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, công tác Đảng, báo chí -truyền thông.
Trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng cùng hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, báo, tạp chí và đài phát thanh, truyền hình trong cả nước. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Với những thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo cán bộ lý luận chính trị và báo chí - truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích nổi bật mà các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Học viện đạt được trong suốt chặng đường phát triển 55 năm qua.
Phó Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội to lớn nhưng cũng đan xen với nhiều thách thức khó khăn. Vì vậy, việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh hơn, đồng thời bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu chiến lược.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị các thầy, cô giáo, các nhà khoa học, các học viên, sinh viên các chuyên ngành báo chí - truyền thông, lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa có sứ mệnh là những người tiên phong trong việc truyền bá, động viên thế hệ trẻ và toàn xã hội phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phó Chủ tịch nước yêu cầu tập thể, lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học viên của Học viện cần phát huy truyền thống, bề dày kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ qua để tăng cường đoàn kết, nỗ lực quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển nhà trường ngày càng vững mạnh. Đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là cán bộ giảng viên trẻ, có lập trường chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin, có kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống mẫu mực làm gương cho học viên, sinh viên noi theo.
“Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học, đảm bảo đào tạo ra đội ngũ nhà báo, cán bộ phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền, tư tưởng, văn hóa, lý luận chính trị có phầm chất chính trị, có tâm trong sáng và tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, trung thực, khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới của đất nước. Song song với đó luôn quan tâm xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể hoạt động hiệu quả và đi đầu trong thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị.
Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu Học viện cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Qua đó góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc tham gia, góp ý hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần phát triển lý luận nói chung. Trong đó quan tâm công tác nghiên cứu và ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với đó, Học viện cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng dạy, học tập; quan tâm đến các sinh viên thuộc các gia đình chính sách, sinh viên nghèo học giỏi. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.
Việt Cường/VOV.VN