Ngày Thế giới chống lao động trẻ em 12/6 hàng năm được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra để thu hút sự chú ý trên phạm vi toàn cầu về vấn đề lao động trẻ em cũng như các hành động và nỗ lực để loại bỏ vấn nạn này. Điều trùng hợp là trong tháng 6, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em. Năm 2022, Tháng hành động Vì trẻ em có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Trong nhiều nội dung chăm lo cho trẻ em, không thể thiếu quan tâm đến vấn đề trẻ em lao động sớm.
Theo luật pháp Việt Nam, lao động trẻ em được hiểu là trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và nhân cách của trẻ em.
Trẻ em lao động sớm là vấn đề toàn cầu, có từ rất lâu đời, diễn ra ở nhiều nước, kể cả nước phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có kết quả điều tra về lao động trẻ em nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trẻ em đi bán vé số. Được biết, hầu hết số trẻ em này đến từ các địa phương khác. Tuy nhiên, trong và sau đại dịch Covid-19, đời sống của nhiều gia đình, nhất là gia đình công nhân, lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa, nhiên liệu, nguyên liệu, thực phẩm,... tăng cao, làm cho đời sống nhiều gia đình nghèo càng khó khăn hơn. Một số trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi vì cha mẹ tử vong do nhiễm Covid-19, thiếu người chăm sóc. Vì vậy, nguy cơ một số trẻ em có gia cảnh khó khăn phải sớm vào đời lao động để phụ giúp gia đình, kiếm sống hoàn toàn có thể xảy ra nếu thiếu sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, đoàn thể. Một số em có thể đến từ nơi khác gây đau lòng và làm ảnh hưởng đến bức tranh KT - XH của tỉnh,...
Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em phải gác lại chuyện học hành để bươn chải mưu sinh và phụ giúp gia đình. Việc lao động sớm đã làm cho một số trẻ em phải bỏ học, bước vào môi trường có nhiều cạm bẫy, do còn non nớt về nhận thức nên dễ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, dễ bị tổn thương tinh thần và ảnh hưởng tâm lý, có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột,... Các em này dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo hành, khó có tương lai tươi sáng cũng như hưởng các quyền cơ bản của trẻ em. Lao động trẻ em làm mất đi cơ hội học tập, học nghề, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai,... và dẫn đến vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lạc hậu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động sớm: Cha mẹ ly hôn, trẻ bị bỏ rơi, trẻ lang thang, kinh tế khó khăn,... Đặc biệt, nhận thức và hiểu biết của các bậc cha mẹ về việc trẻ em tham gia lao động sớm còn hạn chế. Việc thiếu quan tâm, chăm sóc con em làm cho nhiều trẻ rơi vào tình trạng nghiện game, nghiện hút, bỏ học rồi sớm vào đời.
Để phòng ngừa trẻ em lao động sớm trong bối cảnh hậu Covid-19, các cấp, các ngành phải tăng cường công tác trẻ em, an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác truyền thông vận động xã hội chăm lo cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em. Thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em. Thực hiện các biện pháp trong xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho các gia đình, nhất là các gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn để phòng ngừa phụ huynh bắt trẻ lao động sớm để trang trải chi tiêu. Với những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, hộ nghèo, cần quan tâm hỗ trợ chi phí học tập, học nghề, bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, có thể giúp trẻ em có thêm thu nhập bằng những công việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình và quy định pháp luật./.
Kim Quy