Tỉnh có nhiều phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 và giữ nhiều vị trí quan trọng trong các sở, ban, ngành, địa phương (Trong ảnh: Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung là một trong những đại biểu nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV). Ảnh tư liệu
Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hệ thống chính trị
Ông bà ta ngày xưa thường có tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (1 người con trai hơn 10 người con gái). Cũng vì quan niệm đó, nhiều người “trọng nam, khinh nữ” và quan tâm đến giới tính của con ngay từ lúc mang thai hoặc có suy nghĩ con gái không thể gánh vác những việc quan trọng.
Song, thực tế chứng minh, nữ giới cũng làm được những điều mà nam giới làm, thậm chí làm tốt hơn. Điều quan trọng là xã hội có tạo điều kiện cho PN khẳng định vai trò, vị trí của mình hay không? Xác định được vấn đề này, hàng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại để phát huy sở trường, bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Qua đó, tỷ lệ PN tham gia hệ thống chính trị nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, trong đó có nhiều PN là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Long An như Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Hoàng Uyên; nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh - Lê Thị Song An.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai là người phụ nữ “dám nghĩ, dám làm”
Có tận mắt chứng kiến cách làm việc của những nữ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương mới thấy được sự tích cực trong công việc, sự khéo léo, vun vén xây dựng hạnh phúc gia đình. Đơn cử trường hợp của Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai.
Trong công việc, bà là người “dám nghĩ, dám làm”, quyết đoán, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh. Đối với cấp dưới, bà vừa nghiêm khắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt trong cách xử lý để mọi người trong đơn vị cùng phối hợp làm việc tốt hơn.
Còn đối với gia đình, bà là người vợ đảm đang, người mẹ hiền bởi dù bận rộn với công việc, bà vẫn lo chu toàn cho gia đình, vun vén cho hạnh phúc và dạy bảo các con.
Từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Thời trước, chuyện chồng đánh vợ vẫn thường xảy ra. Lúc đó, PN cam chịu, không phản kháng bởi “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (về nhà chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai, không được tự ý theo sở thích). Chính quan niệm này làm người PN không dám thể hiện mình để rồi phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây cũng là vấn đề bức xúc trong thời gian dài.
Ngày nay, PN được quan tâm nhiều hơn. Nạn bạo lực, bạo hành gia đình cũng giảm đáng kể. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh - Lê Văn Bạch cho biết: “Nhơn Ninh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Thạnh, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, sau giờ làm nông, nam giới thường tụ tập uống rượu, bia, say xỉn, có trường hợp gây gổ, bạo hành vợ, con. Những trường hợp này xã kiên quyết xử lý và thường xuyên vận động, tuyên truyền để họ hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình,...
Riêng những năm qua, xã thực hiện rất tốt các mô hình: Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Nam giới điểm 10, Địa điểm tin cậy, phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,... Qua đó, vấn nạn bạo lực gia đình giảm đáng kể, PN ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội”.
Chị Phạm Thị Ngọt không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình mà còn là cầu nối xóa bỏ bạo lực gia đình ở địa phương
Gia đình là chốn yên bình của mỗi người, nơi mà mỗi thành viên tìm được sự chia sẻ, yêu thương và tiếp sức cho chúng ta có thêm nghị lực để vượt qua những áp lực trong công việc và cuộc sống.
Chị Phạm Thị Ngọt (Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh) bộc bạch: “Để làm tốt công tác tuyên truyền, chăm lo PN, bản thân tôi phải xây dựng được gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Theo đó, trong gia đình, tôi thường thể hiện ý kiến của bản thân, phân chia công việc cho các thành viên một cách hợp lý.
Còn ngoài xã hội, tôi tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, làm tốt vai trò là cầu nối xóa bỏ bạo lực gia đình, giúp hội viên PN phát triển kinh tế và làm chủ cuộc sống”.
Trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, bình đẳng giới được hiểu là PN và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ các quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội.
Và thực tế chứng minh trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, PN được tạo điều kiện để phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Điều này giúp PN khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội./.
Nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình, đến nay, tỉnh xây dựng trên 1.000 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với trên 11.600 người tham gia; trên 200 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; gần 1.000 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với trên 4.490 thành viên tham gia; trên 900 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng,... Qua các mô hình, góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 77 vụ bạo lực gia đình, giảm 92,58% so với năm 2011 (1.037 vụ). |
Lê Ngọc