Tiếng Việt | English

08/03/2022 - 09:39

Phụ nữ thời hiện đại

Từ xưa đến nay, phụ nữ (PN) được xem là “người giữ lửa” trong mỗi gia đình. Trong thời hiện đại, vai trò của PN càng được phát huy khi các chị tích cực tham gia hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và có những đóng góp lớn cho xã hội. Hiện nay, nhiều PN đảm nhận vai trò bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; tổ trưởng dân phố, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học; trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện,... Để tròn “việc nước” lẫn “việc nhà”, các chị luôn nỗ lực, phấn đấu, biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ nữ tại cuộc Họp mặt cán bộ nữ lãnh đạo nhân dịp kỷ niệm 1.982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Khi phụ nữ làm kinh tế

Ở nông thôn, PN tích cực tham gia phát triển kinh tế, thành lập các hợp tác xã, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm,... Với suy nghĩ thay đổi bản thân và làm giàu chính đáng trên quê hương mình, chị Nguyễn Thị Hồng Phê (SN 1974, ấp Hóc Thơm 1, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chuyển đổi từ trồng chanh sang trồng nhân sâm mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phê tham dự cuộc thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp

Thuở trước, gia đình nghèo khó, sau khi lập gia đình, chị vừa trồng chanh, vừa nuôi heo, nấu rượu, cùng chồng nuôi dạy 2 người con. Nhận thấy cần phải đổi mới tư duy, ứng dụng những cái mới để làm giàu trên mảnh đất quê hương, qua sự giới thiệu, chị liên kết với Công ty TNHH Hoàng Ngọc Global (huyện Đức Huệ) trồng sâm nguyên liệu. Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ công ty, gia đình chị chuẩn bị đất, ký hợp đồng và tháng 02/2020 trồng vụ đầu tiên tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ.

Trong khoảng thời gian chờ thu hoạch sâm là 10 tháng, chị trồng xen canh với chanh và sau này mở rộng diện tích lên đến 1ha. Đây là loại cây mới nên bước đầu chị còn gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, lợi nhuận của sâm mang lại khá lớn dù gia đình chị chỉ trồng 1 vụ/năm. “Tôi rất thích những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đó cũng là động lực giúp tôi chọn loại cây trồng này để thử nghiệm. Hiện tại, gia đình tôi vừa thu hoạch củ sâm, đang phơi đất để chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Với 1ha đất, gia đình đầu tư chi phí khoảng 250 triệu đồng. Sâm được công ty thu mua với giá 80.000 đồng/kg; năng suất bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 230 triệu đồng/đợt. So với trồng chanh, hiệu quả đem lại từ sâm Hoàng Ngọc khá cao” - chị Phê nói. Nhân sâm Hoàng Ngọc có thể tạo ra nhiều sản phẩm như sâm tươi, sâm sấy khô, bột nhân sâm, ngũ cốc nhân sâm, ngâm mật ong, rượu nhân sâm, trà sâm,...

Ngoài ra, hoa, lá, cành, củ nhân sâm đều được tận dụng. Qua sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện, chị tham gia cuộc thi PN sáng tạo - khởi nghiệp cuối năm 2021 do Hội LHPNVN tỉnh tổ chức và vinh dự đoạt giải nhì.

Sản phẩm từ mô hình trồng nhân sâm Hoàng Ngọc của chị Phê

Giữ lửa yêu thương

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - câu nói của người xưa vẫn luôn đúng với các gia đình Việt. PN dù ở tầng lớp nào thì vẫn luôn đóng vai trò chính trong việc “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, trong thời đại mới, người PN cần phải học hỏi thêm rất nhiều kỹ năng mềm để “xây tổ ấm”.

Nhắc đến gia đình bà Đỗ Thị Tươi và ông Đỗ Đăng Sơn (khu phố Bình Cư 1, phường 6, TP.Tân An), những người hàng xóm đều biết đến một gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con tốt. Bà Tươi kể, rời quê hương Thanh Hóa, bà theo chồng vào Nam lập nghiệp. Ngày ấy, biết bao khó khăn mà vợ chồng phải đối mặt khi chấp nhận cuộc sống xa quê. Chồng là bộ đội, thường xuyên vắng nhà, một mình bà vừa chăm sóc 2 người con, vừa chăn nuôi, buôn bán để phụ giúp chồng. “Nhớ lại ngày đó, đồng lương của chồng không có bao nhiêu. Tôi ở nhà làm đủ nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vừa dạy con, vừa chăn nuôi rồi hái rau đi bán,... Gian nan là vậy nhưng may mắn hạnh phúc mỉm cười với gia đình khi 2 đứa con trai đều học hành đến nơi, đến chốn, có cuộc sống ổn định” - bà Tươi cho hay.

Hơn 40 năm lập nghiệp, giờ đây ông bà sống vui vẻ, quây quần bên con cháu. Con trai lớn thành đạt, là chủ một doanh nghiệp, nhà ở cách đó không xa. Ông bà hiện sinh sống cùng vợ chồng người con trai út. Bản thân là PN, từng làm dâu, chăm sóc ba mẹ chồng nên bà hiểu, thông cảm và chia sẻ với con dâu. Trong mối quan hệ gia đình, bà luôn nghĩ rằng “Mình đối xử với con tốt thì con sẽ quý trọng mình nên gia đình 3 thế hệ đều vui vẻ, hòa thuận”. Không chỉ xây dựng hạnh phúc gia đình, bà còn được chồng, con động viên tham gia công tác xã hội. Còn nhớ, con hẻm 456 trước nhà, trước đây là đường đất, nhỏ, rất khó lưu thông. Chính bà cùng hội viên PN vận động, đóng góp mở rộng đường và tham gia lắp đèn đường để giữ gìn an ninh, trật tự.

Gần đây, khi PN phát động phong trào “5 không, 3 sạch” bà không ngại khó đi tuyên truyền mọi người dọn vệ sinh, quét dọn và chăm sóc cây xanh trên đoạn đường này. Những ngày địa phương xảy ra dịch Covid-19, gia đình bà góp khẩu trang, nhu yếu phẩm hỗ trợ những người thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Không những vậy, vợ chồng bà còn giảm 2 đợt tiền phòng cho người ở trọ. Vào dịp tết, bà tặng quà cho những người thuê trọ của gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình bà Đỗ Thị Tươi là gia đình văn hóa tiêu biểu (Trong ảnh: Bà tham gia vận động, chăm sóc tuyến đường hoa)

Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai cho biết, vai trò quan trọng của PN ngày nay không chỉ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc mà còn ở việc thúc đẩy phát triển KT-XH. Công tác vận động các tầng lớp PN thực hiện phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 2 cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức PN: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Hội sáng tạo tổ chức.

Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, nổi bật như 100% xã/phường/thị trấn có xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp; 100% huyện/thị/thành xây dựng chi hội “5 không, 3 sạch” - xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,… Nhận thức của các tầng lớp PN được nâng lên, ý thức hơn trong sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của người PNVN thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phụ nữ trong thời hiện đại vừa vun vén hạnh phúc gia đình, vừa tham gia công tác xã hội (Trong ảnh: Phụ nữ mặc áo dài chào mừng ngày 8/3 và nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”)

Riêng hoạt động hỗ trợ PN, nhất là PN nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống ngày càng nâng chất. Năm 2021, các cấp Hội tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ cho vay đến nay hơn 1.680 tỉ đồng; nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 56 tỉ đồng giúp hàng chục ngàn lượt vay phát triển kinh tế gia đình và các nhu cầu khác. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; giúp PN nghèo cũng được các cấp Hội quan tâm,... tạo thành phong trào thi đua, thu hút đông đảo hội viên, PN tham gia./.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - câu nói của người xưa vẫn luôn đúng với các gia đình Việt. PN dù ở tầng lớp nào thì vẫn luôn đóng vai trò chính trong việc “giữ lửa” hạnh phúc gia đình”.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết