Tiếng Việt | English

25/10/2021 - 10:05

Phục hồi sản xuất, kinh doanh, nỗ lực giữ chân người lao động

Sau thời gian nỗ lực, quyết tâm chống dịch, hiện tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An được kiểm soát, toàn tỉnh bước vào trạng thái “bình thường mới”. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Thông tin, Truyền thông và Công nghệ - Hoàng Đình Cán về tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng như việc thu hút, giữ chân lao động (LĐ) làm việc trên địa bàn tỉnh.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Thông tin, Truyền thông và Công nghệ - Hoàng Đình Cán

PV: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đình Cán: Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Long An là một trong những địa phương “tâm dịch” của cả nước, với trên 34 ngàn ca mắc Covid-19. Đến nay, tỉnh đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, điểm sáng đáng ghi nhận của Long An trong thời gian qua là tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có trên 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và trên 84% được tiêm mũi 2 (tính đến ngày 23/10/2021). Long An đang là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cao nhất cả nước.

PV: Thưa ông, tình hình thực hiện chủ trương, phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào?

Hiện số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng qua từng ngày (Ảnh minh họa)

Ông Hoàng Đình Cán: Ngày 04/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3222/KH-UBND về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh (thay thế Kế hoạch 2962/KH-UBND, ngày 13/9/2021).

Theo đó, tất cả DN được phép hoạt động trở lại khi đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định; đăng ký, tổ chức hoạt động và chịu trách nhiệm với chính quyền nếu không bảo đảm các điều kiện theo quy định; đồng thời, tỉnh cũng thống nhất với một số tỉnh, thành phố bảo đảm các điều kiện cho công nhân đi lại liên tỉnh, thành phố để làm việc.

Nhằm hỗ trợ DN từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế để ổn định đời sống người dân trên cơ sở nguyên tắc người LĐ và DN chủ động phòng, chống dịch cho chính mình và cho DN theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan y tế, DN chủ động xây dựng phương án tái sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phòng, chống dịch trình cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở quản lý.

Đến ngày 20/10/2021, ước có khoảng 80% DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Số lượng DN này cũng đang tăng qua từng ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi của DN sau thời gian dài tạm ngừng sản xuất, kinh doanh và chịu nhiều thiệt hại từ dịch bệnh.

PV: Tình hình, việc vận động người dân ở lại làm việc ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đình Cán: Trong thời điểm vừa trải qua những thiệt hại nặng nề sau dịch bệnh, nguồn LĐ chính là sức mạnh của DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc “giữ chân” công nhân, LĐ cũng là trách nhiệm của tỉnh để đồng hành cùng sự phát triển của DN.

Long An sẽ dành nguồn vắc-xin cho công nhân, lao động để bảo đảm cho các công nhân đang có mặt trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19

Theo đó, tỉnh ban hành Công văn số 9765/UBND-VHXH, ngày 06/10/2021 về việc vận động công nhân, người LĐ ở lại làm việc trên địa bàn tỉnh, trường hợp người dân vẫn có nguyện vọng về quê thì phối hợp các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức đưa, rước an toàn, chu đáo. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 9770/QĐ-UBND, ngày 07/10/2021 về việc thành lập Tổ vận động, hỗ trợ công dân, người LĐ làm việc trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ đối với các trường hợp công nhân gặp khó khăn, có nhu cầu chính đáng trở về quê.

PV: Trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, tỉnh có những hoạt động gì để phòng dịch trong DN cũng như bảo đảm an toàn, “giữ chân” người LĐ?

Ông Hoàng Đình Cán: Long An bám sát tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, theo đó, ngày 15/10/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn 10151/UBND-VHXH về quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh thực hiện đánh giá, xác định cấp độ dịch, bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, áp dụng đúng quy định của Trung ương và có sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân.

Long An sẽ dành nguồn vắc-xin cho công nhân, lao động để bảo đảm cho các công nhân đang có mặt trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, tỉnh cũng đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc “Lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài”, “người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”.

Tỉnh đã xây dựng quy trình xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng thì xác định phạm vi hẹp nhất có thể để chủ động dập dịch không để lây lan. Các địa phương, sở, ngành chủ động xử lý kịp thời trước mọi tình huống bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; thường xuyên theo dõi, tiếp thu phản ánh của người dân, DN để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 11/2021, tất cả DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tạm dừng do Covid-19 quay trở lại hoạt động; phấn đấu đến đầu năm 2022 sẽ đưa tất cả hoạt động vào trạng thái “bình thường mới”.

UBND tỉnh cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm là Tổ phó thường trực. Tổ có nhiệm vụ nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Tổ cũng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành và ban hành các kế hoạch, giải pháp, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN;...

Đặc biệt, trong tình hình sản xuất, kinh doanh phục hồi sau dịch thì nhu cầu nhân lực LĐ là rất lớn, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ở lại địa phương và phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố trong tổ chức đưa đón, quản lý người dân về quê, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn, trật tự xã hội và an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn vắc-xin cho công nhân, LĐ để bảo đảm cho các công nhân đang có mặt trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19, góp phần bảo đảm an toàn phòng dịch trong DN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích