Nơi sản sinh những tài năng
Chính sự có mặt của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại ở vùng đất này, mà cụ thể là vùng đất Cần Đước, Cần Giuộc, đào tạo nên thế hệ đầu tiên rất nổi danh mà tên tuổi của họ được biết qua tài liệu và lưu truyền trong giới nhạc tài tử, cải lương như: Chín Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem (ông ngoại cố nhạc sĩ (NS) Hai Biểu), Ba Đống, Mười Hai Duơn, Năm Quýnh,... rồi nối tiếp sau đó là Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa,...
Liên hoan Đờn ca tài tử lần thứ 23 tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Ðước. Ảnh: Thùy Hương
Do chưa có điều kiện thu âm nên chúng ta không được thưởng thức tài năng âm nhạc của lớp NS thời ấy nhưng những gì lưu truyền trong giới nhạc như:
“Tiếng đồn Cần Đước xuân xanh
Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh,
Lòng cò”,
hay “Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”, ít nhiều phản ánh tài hoa của các thế hệ này. Cũng cần nói rõ thêm, “nhứt, nhì” ở đây không phải ai giỏi hơn ai về bộ môn ĐCTT, mà là nói về ca, sáng tác là Bạc Liêu và về đờn thì Cần Đước nổi tiếng. Giới nhạc tài tử, ít nhiều ai cũng biết đến NS Tư Huyện, Hai Biểu và NS đương đại Ba Tu bởi tài năng, sức ảnh hưởng của họ trong lịch sử đời sống âm nhạc tài tử và cải lương.
Cố NS Tư Huyện tên thật là Nguyễn Thế Huyện, sinh năm 1911, tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, trong gia đình có truyền thống nhạc lễ, nhạc tài tử. Trong những năm đầu thế kỷ trước, vùng Cần Đước, Cần Giuộc có nhiều nhóm nhạc lễ, nhạc tài tử nổi tiếng thuộc thế hệ môn đệ đầu tiên của Nguyễn Quang Đại, như nhóm Chín Láo ở Cần Đước, nhóm Chín Khánh, Bảy Tho ở Phước Lâm, Cần Giuộc. NS Tư Huyện là con của NS Bảy Tho. Do sinh ra trong gia đình có truyền thống nhạc lễ, nhạc tài tử nên ông có điều kiện phát huy tài năng. Gia đình ông Bảy Tho có 5 người con đều theo nghề nhạc lễ, nhạc tài tử.
Từ thời niên thiếu, NS Tư Huyện đã nổi danh về nhạc lễ, nhạc tài tử với khả năng sử dụng các loại nhạc khí gõ, hơi, nhạc khí dây (cả kéo và khảy). Nghệ thuật diễn tấu của NS Tư Huyện có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều NS đương thời và sau này, trong đó có nhiều NS được học trực tiếp hoặc gián tiếp: Văn Vĩ, Ba Tu, Huỳnh Khải,...
Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc, nay là Nhạc viện. Từ năm 1976, NS Tư Huyện làm nòng cốt cho âm nhạc sân khấu của Nhà hát Trần Hữu Trang. Ngón đờn của ông còn được truyền lại trong nhiều băng, đĩa được ghi âm vào những năm 1960, 1970, 1980. NS Tư Huyện mất năm 1982, để lại trong lòng đồng nghiệp và các thế hệ kế thừa sự tiếc nuối về một tài năng đỉnh cao trong nghệ thuật diễn tấu của âm nhạc tài tử, nhạc lễ Nam bộ.
Cố NS Hai Biểu tên thật là Huỳnh Văn Biểu, sinh năm 1912, tại làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - vùng đất có truyền thống về nhạc lễ, nhạc tài tử. Năng khiếu của ông phát triển sớm. Ông diễn tấu thành thạo các loại nhạc khí, nhưng trội nhất là đàn tranh với kỹ thuật rung, nhấn làm hiện lên một nét nghệ thuật tinh tế, quyến rũ. Ông tiếp tục thọ giáo NS Năm Khiết (Thuận Thành, Cần Giuộc) - học trò thuộc thế hệ đầu của Nguyễn Quang Đại. Sau đó, ông tham gia dàn nhạc của Gánh hát bội Huỳnh Ngọc Ban (Năm Thơ), Đoàn Phụng Hảo. Sau 1975, NS Hai Biểu tham gia hoạt động âm nhạc tài tử, phong trào ĐCTT ở Cần Đước, Long An. Ông được xem là một trong những NS tài danh nhất về hoạt động âm nhạc dân tộc nửa cuối thế kỷ XX. Ông mất năm 1980, tại TP.HCM.
NS đương đại Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1938, ở ấp Rạch Bọng, xã Tân Lân, huyện Cần Đước. Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức phục hồi và phát triển nền cổ nhạc Việt Nam tại TP.HCM và dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Điện ảnh thành phố. Ông sử dụng nhiều nhạc cụ nhưng sở trường là cây đờn kìm. Ai yêu mến và am hiểu về âm nhạc tài tử đều biết ngón đờn ông như thế nào qua trình tấu độc chiếc đờn kìm 20 bản tổ, do Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Long An tổ chức thu âm, hiện nay được quảng bá rộng rãi bằng đĩa CD và trên Internet.
Niềm tự hào của quê hương
Thật là phiến diện nếu chỉ đề cập đến những NS vừa kể trên và cũng do khuôn khổ của một bài báo, bởi bộ môn ĐCTT cũng sớm hình thành ở khu vực Thủ Thừa - Tân An - Châu Thành. Đây là quê hương của 2 tác giả sách Cầm ca tân điệu - một sưu tập gần như đầy đủ các bài bản đờn và lời ca cổ, là Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) thu thập phần nhạc và Trần Phong Sắc (Tân An) soạn phần lời; của Ác-măng (Arment) Thiều (Tân Trụ) - người đầu tiên sử dụng nhạc khí guitar vào cổ nhạc; của NS Cao Văn Lầu (Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) - tác giả của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài vọng cổ ngày nay. Khi âm nhạc phương Tây du nhập vào Việt Nam, NS Mười Còn (Cần Đước) là người đi tiên phong trong việc sử dụng đàn violon vào cổ nhạc trong những năm 30 của thế kỷ trước.
Đến nay, Long An có 7 nghệ sĩ cải lương được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú; 3 NS, nghệ nhân ĐCTT được phong tặng Nghệ nhân ưu tú; 23 NS, nghệ sĩ ĐCTT được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Con số đó có thể chưa phản ánh hết nhưng ít nhiều ghi nhận tài năng và sự đóng góp của ĐCTT ở Long An cho bộ môn nghệ thuật này ở Nam bộ.
Truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất hai con sông Vàm Cỏ hiền hòa và thơ mộng đã nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc nên những tài năng âm nhạc tài tử Nam bộ và chính những tài năng ấy làm nên một phần hình ảnh Long An, tô thắm thêm cho truyền thống văn hóa vùng đất này./.
Nguyễn Tấn Quốc