Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 20:26

Cần lắm những cú hích cho sàn diễn cải lương!

Sân khấu cải lương năm 2017 vượt qua sự đìu hiu khi rạp Hưng Đạo đi vào hoạt động sau thời gian được sửa chữa với 3 vở mới: Hiu hiu gió bấc, Hồn ma báo oán và Mộng Hoa Vương.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhận định, nếu số lượng các chương trình, vở diễn mới năm 2016 ngày một thưa dần theo thời gian thì khi có rạp Hưng Đạo sẽ khởi sắc hơn. Sau sự kiện 5 suất diễn của chương trình Chút tình gởi lại nhân gian do gia đình nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bảo Quốc tổ chức nhằm tri ân tình cảm của công chúng dành cho bảng hiệu Thanh Minh, Thanh Nga 64 năm qua, trong năm Đinh Dậu này, nhiều nhóm cải lương xã hội hóa sẽ góp phần vực dậy sân khấu cải lương.

NSƯT Hữu Châu và nghệ sĩ Tuấn Khôi trong vở Bí mật vườn lệ chi

Trước thực tế này, nhiều nghệ sĩ tâm huyết cho rằng, thành phố thiếu sàn diễn đúng nghĩa là một thánh đường để nghệ sĩ cải lương thỏa lòng sáng tạo. Đồng thời theo NSƯT Ca Lê Hồng: “Quy tụ lực lượng hùng hậu là một việc cần thiết để cứu sàn diễn cải lương. Rõ ràng, khán giả ngày nay không đến rạp vì lực lượng này bị phân tán mỏng. Tôi tin rằng, sàn diễn sẽ thu hút người xem nếu nhiều kịch bản hay như vở Hiu hiu gió bấc dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được dàn dựng”.

NSND, đạo diễn Huỳnh Nga cho rằng, cải lương gặp khó như hiện nay, nghệ sĩ có lỗi rất lớn. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ thiếu cơ sở học vấn, lại còn thiếu tâm huyết với nghề, lười biếng tập tuồng. “Vở Bên cầu dệt lụa, tôi dựng cho Thanh Minh, Thanh Nga, tập ròng rã mấy tháng trời. Bà bầu Thơ rất kỹ, nếu như chiều hôm trước nghệ sĩ tập sai, ngày hôm sau họ phải tập lại đến khi bà ưng ý mới thôi. Còn với đạo diễn, tôi chỉ yêu cầu nghệ sĩ diễn đúng khi tập, muốn sáng tạo gì thêm thì khi thăng hoa trên sàn diễn. Quá trình tập, họ phải chịu khó tìm tòi, rèn luyện câu ca, lời thoại. Còn bây giờ, nếu nghệ sĩ tập bị sai, khi lên sàn diễn vẫn thấy cái sai đó. Chưa kể, không ít người mải mê chạy show, ít chịu học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thử hỏi, ca diễn như thế làm sao hay được”.

Tác giả Đăng Minh giữ nguyên nhận định của ông cách đây nhiều năm, rằng sở dĩ sàn diễn cải lương cứ thụt lùi như hiện nay là do hai người thầy của sàn diễn không còn được tôn trọng như trước. Đó là thầy tuồng và thầy đờn.

Ông nhấn mạnh: “Trước kia, sàn diễn cải lương dù có rất nhiều ngôi sao sân khấu, những nghệ sĩ tài danh nhưng khi thầy tuồng viết sao thì ca vậy, đâu ai dám sửa. Trong khi bây giờ, nghệ sĩ sửa cả thầy tuồng của mình. Và ông thầy nhạc, thì cứ bị giảm quân, từ dàn nhạc 12 nhạc công xuống còn 4, có khi còn xài dĩa thu nhạc sẵn, rồi ca theo hoặc nhép theo, nhạc công thất nghiệp, thì làm sao gọi là chuẩn mực để ca diễn cho đúng, cho hay”.

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan cùng các em trong Đội văn nghệ đờn ca tài tử Trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TP.HCM

Bên cạnh đó, ước nguyện đầu năm của NSND, nhạc sĩ Thanh Hải, là những nhà quản lý sân khấu, đừng bất lực trước tình trạng chạy show, không hợp tác của các nghệ sĩ ngôi sao. Khi làm việc, nếu không thể quản lý được con người - nhân tố sáng tạo chính, thì khó mà tạo nên những tác phẩm hay, thu hút khán giả. Vấn đề đặt ra chính là ý thức, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với tác phẩm nghiêm túc, phục vụ công chúng.

Trước những khó khăn trên, đòi hỏi những người làm công tác quản lý và biểu diễn phải soi rọi lại chính mình. Thực tế cho thấy, muốn vực dậy cải lương không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều con người và cả lãnh đạo các cấp. Tất cả cùng trở về cái gốc ban đầu của sàn diễn cải lương. Nói như NSND Huỳnh Nga, cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương, chỉ có sự điều chỉnh lại cách làm thì cải lương sàn diễn sẽ sống./.

Hoàng Thuận

Chia sẻ bài viết