Tiếng Việt | English

05/01/2023 - 15:16

Quốc hội: Cần tăng tốc giải ngân, phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp để tăng tốc độ giải ngân khi thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa-tiền tệ hỗ trợ, phục hồi kinh tế.


Các đại biểu dự Kỳ họp bất thường thứ hai. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để tăng tốc độ giải ngân khi thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và có giải pháp thực hiện năm 2023.

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 2, diễn ra ngày 5/1.

Kiểm soát thành công đại dịch

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới,” góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.

Các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30 góp phần kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh COVID-19 và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, về áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, khác luật trong phòng, chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng hiệu quả, linh hoạt hầu hết các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Chính phủ đã triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội như trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức các lực lượng tuyến đầu chống dịch; áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm; thành lập và hoạt động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; thực hiện chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Chính phủ đã bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dù vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; một số địa phương còn ban hành quy định gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...).

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp hạn chế còn chưa thống nhất. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, chưa tính hết yêu cầu thực tiễn, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi….

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30. (Ảnh: TTXVN)

Trước thực tế hiện nay, theo lãnh đạo Bộ Y tế, mục 3 Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022 trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội ghi nhận kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết và công bố hết hiệu lực toàn bộ đối với 8 Nghị quyết, hết hiệu lực một phần đối với 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xử lý kết quả rà soát theo quy định trên cơ sở các nội dung đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ.

Đề xuất chính sách đặc thù

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho rằng việc quản lý, điều trị người mắc COVID-19 thời gian đầu còn một số bất cập, một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách.

Hơn nữa, công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 còn vướng mắc; thanh toán chế độ hỗ trợ đối với lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch còn chưa kịp thời; một số sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, việc thực hiện triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm; việc tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế; công tác dự báo, dự kiến quy mô chính sách còn chưa sát thực tế. Thủ tục hành chính trong việc cấp và nhận các khoản hỗ trợ còn phức tạp, cứng nhắc.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủy ban Xã hội đề nghị kỳ họp lần này thông qua Nghị quyết của Quốc hội để ghi nhận những thành quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo cơ sở pháp lý, cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách để giải quyết các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời cho phép bổ sung tại dự thảo Nghị quyết quy định: “đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết 30 khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết 30.”

Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp để tăng tốc độ giải ngân khi thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và có giải pháp thực hiện năm 2023.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong và chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo Nghi quyết 268/NQ-UBTVQH15, được thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng hợp và có cơ chế để hỗ trợ các địa phương khó khăn về nguồn lực được thanh toán dứt điểm chế độ chính sách này đồng thời có giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn (nếu có) và sớm hoàn thành việc thanh toán, quyết toán các chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo quy định./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết