Tiếng Việt | English

15/05/2025 - 10:25

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Sáng 15/5, sau khi Chính phủ trình, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) có 14 chương, 74 điều quy định cụ thể về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, trách nhiệm đối với thiệt hại hạt nhân, đặc biệt đáp ứng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và phát triển năng lượng nguyên tử ở nước ta.

Đặc biệt khi các chính sách hiện hành đang bộc lộ bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát sinh sự chồng chéo và chưa theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân.

Vì vậy, dự thảo luật bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí, đó là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước. Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Đáng chú ý, trong dự luật đã tăng phân cấp, phân quyền. Cụ thể, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng, thay vì Quốc hội như theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có báo cáo thẩm tra về dự án luật này, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu một số nội dung cơ bản sau:

(1) Thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân; góp phần huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

(2) Kế thừa pháp luật về năng lượng nguyên tử hiện hành; sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); rà soát, chuẩn bị kịp thời số lượng lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là liên quan đến nhà máy điện hạt nhân; phân cấp, phân định rõ ràng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân.

(3) Cụ thể hóa đầy đủ 4 chính sách xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua và tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan.

Đồng thời, đề nghị cân nhắc kỹ đến khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức khi đầu tư, thành lập cơ sở tiến hành công việc bức xạ, cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ tại Chương II; bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30 theo hướng: Thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tự thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.

Về thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân; đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Về chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Chương VI dự thảo luật, đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ trong phế liệu và các nguồn khác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để bảo đảm đầy đủ, khả thi và phù hợp.

Về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tại Chương IX, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất giữa nội dung các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng như tính khả thi, chặt chẽ của các kế hoạch; bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Phiên họp Quốc hội sáng 15/5 (Ảnh: quochoi.vn)

Những vấn đề trên sẽ được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp sáng nay trên nghị trường Quốc hội./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết