Sinh viên tham gia các trò chơi hoạt náo trong Ngày hội DLA 2023
Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng: Để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%. Kỹ năng mềm có tầm quan trọng, không chỉ giúp con người tư duy và tương tác thuận lợi hơn, tạo sự thành công trong công việc mà còn mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân là cần thiết
Giới trẻ ngày nay mang nhiều hoài bão và khát vọng nhưng lại dễ vỡ mộng do không biết làm chủ bản thân. Việc làm chủ bản thân thường được hiểu là dồn nén cảm xúc và thuận theo số đông. Điều này rất tệ hại vì dần dần sẽ không còn là chính mình. Khi vượt qua giới hạn dồn nén, người trẻ dễ bị stress, buông xuôi hoặc phản ứng một cách thái quá không cần thiết. Cho nên, rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân là một việc làm cần thiết.
Nhằm tìm kiếm các giải pháp rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân cho sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An khảo sát ý kiến của 400 sinh viên năm 1, 2, 3, 4 và thu về 375 phiếu hợp lệ. Qua đó, có 92,80% sinh viên cho rằng kỹ năng làm chủ bản thân có vai trò quan trọng. Điều này cho thấy, nếu các em được rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân thì sẽ có cách ứng xử phù hợp với mọi người, mọi việc xảy đến.
Học làm chủ bản thân từ những điều nhỏ nhất
Làm chủ bản thân là biết làm chủ cảm xúc ở 3 khía cạnh: Nhận thức, thái độ và hành vi. Từ nhận thức đúng đắn, người trẻ sẽ có cảm xúc và hành động đúng đắn, biết làm chủ được phản ứng của mình, kiểm soát được những phản ứng cảm tính trước những tình huống trong cuộc sống.
Làm chủ bản thân tốt giúp người trẻ không tự cản trở mình trên con đường vươn tới thành công, không khiến người khác thất vọng đến mức phẫn nộ hoặc không ưa bạn. Khi hiểu rõ cảm xúc của mình và phản ứng theo cách mình chọn, người trẻ sẽ có khả năng kiểm soát tốt những tình huống khó khăn, phản ứng khéo léo với những thay đổi và bước đầu đạt mục tiêu của mình.
Nói một cách khác, làm chủ bản thân là khả năng vận dụng nhận thức về cảm xúc để chủ động lựa chọn những gì mình nói và làm.
Trong những tình huống giao tiếp cụ thể có thể phát sinh trạng thái cảm xúc khác nhau (tích cực và tiêu cực). Cảm xúc (đặc biệt, cảm xúc tiêu cực) ảnh hưởng rất rõ đến hành vi, ứng xử của con người trong giao tiếp. Do đó, nếu biết làm chủ cảm xúc thì tránh được thái độ, hành vi làm tổn thương người khác, ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân, hiệu quả giao tiếp và mối quan hệ, biết từ chối đúng lúc, đúng việc,...
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, người trẻ tăng cường tham gia hoạt động, giao tiếp để có cơ hội học hỏi, trải nghiệm thực tế, qua đó tích lũy kinh nghiệm để tự tin hơn, làm chủ được cảm xúc trong giao tiếp.
Làm chủ bản thân được thì sẽ nắm rõ những khả năng của mình, từ đó, xây dựng sự tự tin và thoải mái trong cuộc sống cũng như công việc. Bởi làm chủ bản thân là làm chủ được tư duy, điều này giúp khơi gợi tiềm năng và phát huy ưu thế. Nó giúp chúng ta gặt hái được thành tích trong cuộc sống, có thể trở thành người giao tiếp giỏi, nhà lãnh đạo uy tín, doanh nhân tỉ phú, sinh viên xuất sắc,…
Làm chủ tư duy là sở hữu mọi tiềm năng trí tuệ cần thiết để đạt được mục tiêu. Biết làm chủ tư duy sẽ thiết kế được một con đường đi đến thành công, dám nghĩ, dám làm và trở thành người thành công trên mọi phương diện.
Các trò chơi tập thể giúp gắn kết sinh viên với nhau
“Mỗi người chỉ sống một lần, hãy sống sao cho khỏi ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí”. Để không bỏ lỡ những điều hay, điều phải, để thành công và hạnh phúc, mỗi người cần học cách làm chủ bản thân, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như xác định mục tiêu, giữ thái độ sống tích cực, nhận thức được cảm xúc của mình và làm chủ nó. Làm chủ bản thân không khó, quan trọng là nỗ lực và kiên trì thực hiện./.
Tầm quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự đóng góp của học tập nhằm giải quyết những thách thức của nhân loại, gắn với tính bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững trang bị cho người học ở mọi lứa tuổi kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ để giải quyết những thách thức đan xen trên toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên không bền vững, bất bình đẳng”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Văn Phúc (tại Hội thảo tham vấn các bên liên quan về “Sáng kiến Quốc gia Giáo dục về Phát triển bền vững 2030”)
|
ThS. Huỳnh Thị Hoàng Hiệp