Một thời hoàng kim
Người ta không biết trò chơi lô tô hội chợ có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu, chỉ biết cách đây hàng chục năm là thời thịnh hành của các đoàn hội chợ, lô tô từ khắp các tỉnh, thành về dựng rạp ở bãi đất trống, treo cờ, băng rôn quảng cáo, phát loa thu hút đông đảo người dân, đặc biệt trong những ngày giáp tết.
Tiết mục kêu lô tô của những cô “đào” chuyển giới bằng những bài vè, câu đối đáp
Chúng tôi có mặt tại đoàn hội chợ đóng tại bãi ruộng trống ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - nơi đang diễn ra hoạt động của một gánh lô tô được giới thiệu là “Đoàn ca nhạc sân khấu điểm số Năm Mập” ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau hơn một tuần đóng quân tại đây, gánh lô tô hội chợ của anh Phạm Văn Năm hay còn gọi là ông bầu Năm Mập chỉ đông khách vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, ông bầu Năm vẫn lạc quan cho rằng, làm ăn như vậy là may lắm rồi và quyết định lưu lại đây vài đêm nữa mới chuyển gánh đi nơi khác.
Hơn 27 năm, ông bầu Năm theo gánh lô tô hội chợ sau nhiều lần thất bại rồi làm lại. Lý do anh quay lại cái nghề bám chợ, bám đường này rất đơn giản, bởi vì lỡ mang cái nghiệp lô tô hội chợ nên anh không dứt ra được và nếu không theo nghề lô tô, anh cũng chẳng biết làm gì. Dù biết cái nghề này chẳng có tương lai, vợ chồng anh Năm vẫn dốc hết số vốn còn lại để tiếp tục những chuyến “rày đây mai đó” cùng với những anh em trong gánh.
Có nhìn thấy cảnh các thành viên trong gánh lô tô hội chợ bị "mắc kẹt" giữa những cơn mưa, những lúc “bể sô” vì trời mưa, sống thấp thỏm, không có tiền trả tiền thuê sân bãi vì quá ế khách thì mới hiểu hết nỗi niềm cái nghề “phiêu bạt” khắp nơi này.
Anh Lê Văn Thanh, thành viên của đoàn lô tô cho biết, ban ngày, anh về nhà ở thị xã Gò Công lo việc đồng áng; tối, anh phụ vợ mở gian hàng trò chơi trúng thưởng trong gánh lô tô hội chợ. Thu nhập từ những đêm bán hàng không nhiều nhưng luôn là niềm vui của vợ chồng anh.
Gánh lô tô mang đậm dấu ấn ở vùng quê
Gần 18 giờ, gánh lô tô bắt đầu sáng đèn với phần giới thiệu hấp dẫn về chương trình biểu diễn của các “nghệ sĩ”. Cũng như các sân khấu ca nhạc, mỗi đêm lô tô mở màn bằng mấy bản hát rộn ràng, vài ba câu vọng cổ để lôi kéo người dân đến xem. Khi khách đến đông thì mới bắt đầu bán vé dò lô tô. Vé dò thường là những tờ giấy mỏng, trang trí giống như bộ lô tô gia đình kèm theo viên phấn để gạch số. Khi kêu lô tô, mỗi con số gắn với vè, lý, hò, ca dao, bản dân ca, điệu cải lương hay thậm chí cả một bài hát hit hiện nay,... Tất cả được tóm tắt khôi hài và nhẹ nhàng làm bà con khoái chí cười rần.
Cô “đào chính” của đoàn lô tô - Nguyễn Thị Thanh L. chia sẻ, "được đứng trên sân khấu bằng những tấm ván kê tạm nơi bãi cỏ hoang, cánh đồng ruộng khô tháng Giêng đã gặt mùa ở vùng quê để hàng đêm pha trò, hát hò, rao lô tô là em như được sống lại với chính mình, được đem lời ca, tiếng hát phục vụ để “kiếm cơm”".
Dần vắng bóng
Trước đây, các đoàn hội chợ, lô tô đua nhau “mọc lên” như nấm. Hiện nay, theo ông bầu Năm, chỉ tính riêng thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, những ông bầu bám trụ lại với nghề đếm trên đầu ngón tay. Nhiều đoàn lô tô làm ăn thua lỗ đành rã đám và kiếm việc làm khác để mưu sinh. Giờ đây, chỉ có thể thấy gánh lô tô vào dịp tết ở những vùng quê. Các gánh lô tô không chuyên chỉ hoạt động vào mùa khô. Khi mưa xuống, đoàn tạm thời rã, ai nấy tìm công việc phù hợp, mùa khô, tết đến lại tụ họp rong ruổi khắp nơi. Sau này, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên, có nhiều phương tiện giải trí thì những đoàn lô tô về miền quê cũng thưa dần. Lúc này, sự xuất hiện những đoàn hội chợ, lô tô được xem như là lạc hậu giữa cuộc sống hiện đại.
Những gian hàng trò chơi trúng thưởng trong gánh lô tô, hội chợ
Dịp Tết Ðinh Dậu vừa rồi, “ông bầu” Minh Lanh - người điều hành một đoàn lô tô hội chợ đóng tại các tỉnh miền Tây cho biết: “Mấy năm nay, tết không còn là dịp chạy sô kiếm cơm cho cả năm như thời hưng thịnh cách đây mười, mười lăm năm. Đoàn nào cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm”.
Những gánh lô tô ít dần mang theo cả tuổi thơ của biết bao thế hệ. Những câu rao “Tôi bóc con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì ra,...” gắn liền với thời thơ ấu ở vùng quê nghèo khó dần dần chỉ còn là kỷ niệm./.
Hùng Anh