Tiếng Việt | English

16/06/2015 - 08:37

Ruồi trâu và… Ruồi Trâu

Hối hả xoi đường suốt đêm, tưởng chừng không kịp nổ súng, nhưng rồi suốt ngày hôm ấy cả đến ngày hôm sau, cũng chỉ hết vận động ra, lại vận động vào vẫn chưa nổ súng được. Đài quan sát hễ nghe tiếng xe rần rộ là thông báo, nhưng khi thì xe hàng, khi thì xe quân Sài Gòn đi tiếp tế. Chính trị viên Hà nhờ vậy mà có dịp quán triệt nhiệm vụ và củng cố quyết tâm đến từng chiến sĩ. Tư thế bộ đội cứ phải luôn sẵn sàng ở trận địa phục kích, cho nên việc giải quyết cơm nước sinh hoạt để nằm chờ, cực kỳ khó khăn. Mỗi tiểu đội một bếp ăn. Ban ngày khói, tối thì lửa. Máy bay trinh sát thường xuyên xoi mói con đường trục của kế hoạch hành quân. Lúc này đây, khẩu hiệu “đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng” càng tối cần. Dĩ nhiên rồi bộ đội cũng no: tối cơm sốt, ngày cơm vắt, nước bình toong. Và vẫn có buổi uống trà của “băng” Ruồi Trâu, có điều uống thầm và nói chuyện cũng thì thầm.


Nụ cười chiến sĩ dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Bi mò đến hóng chuyện là hiển nhiên. Phần vì sự buồn bạn Vạc bị làm cữ rét ở lại cứ, cặp sam lẻ bạn! Bi đòi Ruồi Trâu kể tiếp chuyện Ruồi Trâu. Anh lấy giọng trịnh trọng:

- Ruồi Trâu ngày xưa theo Vệ quốc đoàn, tiểu đoàn Ba-lẻ-bảy thì cũng còn con nít mặt còn hơi sữa bằng tuổi thằng Bi thằng Vạc bây giờ...

Vừa tức cười, muốn phản ứng nhưng nghe hấp dẫn, Bi lặng im, tỏ bộ ngốc nghếch tin theo. Hiểu quá, nhưng Ruồi Trâu vẫn tỉnh tuồng, ém giọng thì thầm:

- Cũng như Arthur Rivarez - Ruồi Trâu, tao hồi nhỏ có tên là Bé Ba. Đi bộ đội vẫn kêu là Bé Ba. Cho tới khi tập kết ra Bắc, đi giúp dân sản xuất chống đói, chống bão, bị mấy cô con gái Thanh Hóa ghẹo chọc cười ngặt nghẽo: Anh bộ đội Bé Ba ơi, bé mà to lớn cồ cồ! Biết mình có bộ mặt đầy thẹo dễ sợ nên chẳng dám thương cô nào!... Còn đơn vị thấy lớn tướng cao nhồng mà vẫn cứ kêu thằng Bé hoài, sẵn mỗi tối đọc truyện, trong đó có tiểu thuyết Ruồi Trâu, anh em mới đặt cho Bé Ba mặt thẹo cái biệt danh Ruồi Trâu. Ai dè kêu riết thành danh luôn tới về Nam, tới bây giờ!... Còn cái bộ mặt đầy thẹo này ấy à? Thì chẳng phải đánh trận hay bị tra tấn gì ghê gớm như Ruồi Trâu tiểu thuyết đâu. Là cũng làm liên lạc chạy lịnh cho đại đội, nghe súng nổ quá mà run chân, té cầu khỉ, xóc bập lá tét mặt, may không lòi ruột. Thế là mang mặt thẹo rúm ró. Chưa phải vậy thôi. Lần khác, cũng chạy lịnh, mới há miệng: báo cáo thì một viên đạn nhọn bỗng xuyên ngọt lịm qua má dưới. Viên đạn đi khéo đến mức không đụng chạm cái răng nào; chỉ để lại cái thẹo hai bên mép vá không khéo, nhăn nhúm như miệng khỉ!

Hồi ra ngoài Bắc nghĩ cũng dại, mà cũng tại mình quá thương mấy anh từng sinh tử trong đơn vị, nên được trên kêu đi học trường học sinh miền Nam, cứ nằng nặc xin ở lại. Đến chừng phong quân hàm, xét tới tuổi quân thì không đủ tuổi theo hiến pháp, chỉ được phong binh nhứt là phước đức ông bà; lại còn cắt tuổi quân ba năm mới là đau! Nghĩa là tính tuổi quân từ mười tám trở lên, tuổi mười lăm coi như cúng cô hồn. Thắc mắc ỏm tỏi chớ sao không! Nhưng nhớ mình là Ruồi Trâu mà. Ruồi Trâu là phải ngon! Đâu có thèm thắc mắc mấy cái thứ lặt vặt đó. Được cha Montaneli cưng, hèn gì, là cha ruột đó mà đâu dám nhìn ra mặt. Tại sao à? Tại là… là giám mục! Ông Cha chỉ có con chiên, chớ luật đạo không cho có con riêng. Nhưng Ruồi Trâu dù thương cha Montaneli cách mấy cũng vẫn khăng khăng không chấp nhận sự chăm lo, sự dụ dỗ từ bỏ một tổ chức cách mạng lấy tên là “Nước Italia trẻ”. Trả lời câu hỏi của Montaneli: “Con có bị lời thề nào ràng buộc không?”. Ruồi Trâu đáp triết lý dễ nể: “Thề thốt thì có ích gì? Điều ràng buộc con người không phải là lời thề. Ngoài điều mình thực lòng tin theo, thì chẳng có gì ràng buộc mình cả”. Mới mười tám mười chín tuổi mà Arthur nói ngon không? Lý tưởng một khi mình đã tin theo thì tự nguyện phụng sự nó cho tới cùng. Bữa hổm tao nói tới đâu rồi tụi bây?

- Tới chỗ Arthur bị bắt nhốt hầm tối, rất cứng cựa không khai ai, sau được thả ra mới biết là cả tổ chức bị bắt là do anh xưng tội với vị giáo sĩ mới về thay Montaneli - Bi trả lời rồi trách - Bữa hổm anh kể nhảy cóc quá mà, bỏ qua cái câu vừa nói đó hay ác liệt!

Một anh lính trẻ khác, giọng ngậm ngùi:

- Tội nghiệp Arthur bị Gemma đánh một bạt tai oan ức!

- Oan ức mà không thanh minh gì được, Arthur về phòng riêng định treo cổ tự vẫn, nhưng không kịp…

Ruồi Trâu thì thầm kể tiếp trong không gian trận địa về khuya, trên bầu trời rên rỉ tiếng động cơ chiếc Mô-hốc đang trinh sát tọa độ cho máy bay B.52.

- Người anh cùng mụ vợ mà lâu nay tưởng cùng cha khác mẹ với Arthur, hóa ra không phải - Ruồi Trâu tiếp - Bà ta bất chợt bước vào cho Arthur xem tờ thú tội với chồng của mẹ Arthur. Trong đó viết, khi đang mang thai anh đã 5 tháng; dưới có chữ ký của bà và cha Montaneli. Xem tờ thú tội của mẹ, Arthur điếng người rồi cười lên như điên. Thay vì có thể đến gặp Montaneli như thư hẹn, (chắc là ông trở về lo cho Arthur thoát ngục), anh viết cho Montaneli: “Tôi đã tin ông như tin Chúa. Chúa chỉ là một vật bằng đất, tôi có thể dùng búa đạp nát vụn. Còn ông, ông đã lừa dối tôi suốt đời”. Rồi anh viết một mảnh giấy khác: “Hãy tìm xác tôi ở bến...”. Bến gì đó, hổng nhớ. Nhưng Arthur đâu thèm tự vận nữa, anh quăng cái nón trôi bình bồng ở cái bến đó, rồi lột cái đồng hồ kỷ niệm của mẹ để lo lót cho một thủy thủ đưa anh xuống dưới hầm chiếc tàu gì đó, sẽ rời bến đi Nam Mỹ... Thôi, đi ngủ - Ruồi Trâu đứng dậy vặn lưng răng rắc - Mai thế nào cũng xuất kích. Chờ lão “Anh cả đỏ” Mỹ này như mong má đi chợ!

Đêm rừng thâm u. Mưa lại rúc rắc trên cành lá, rồi nặng hạt rơi lộp độp trên những cụm trùm ni lông lùm lùm, nằm rải rác bên bờ công sự. Đơn vị bộ đội tiểu đoàn 4 của Năm Đàn nằm trong những lùm ni lông đó chờ giặc, ngủ giấc ngủ mơ màng, băn khoăn, lo âu viễn vông…

THANH GIANG/Theo sggp.org.vn

Chia sẻ bài viết