Do bị thương lái ép giá nên bà Phạm Thị Thanh Trang đem trứng gà vườn, đồng thời mua thêm búp sen của người dân xung quanh nhà đem lên TP.Tân An bán kiếm lời trang trải cuộc sống
Sớm mai, khi ánh nắng yếu ớt xuyên qua tán lá hàng cây, rọi xuống vỉa hè cũng là lúc người nhà quê mang các món nhà quê ra bán. Không hàng sạp, không xe đẩy, chỉ một tấm bạt nhỏ trải ra ở góc chợ, bày bán những loại rau tập tàng, đu đủ, mướp, bầu,... bấy nhiêu thôi cũng đủ làm người xa quê cảm thấy xao xuyến.
Anh Đặng Minh Khiêm, ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: “Tôi sinh ra không phải ở TP.Tân An nhưng chọn nơi này để sống, làm việc và đã gắn bó với mảnh đất này hơn 20 năm. Trong tình thương tôi dành cho Tân An có một phần rất lớn dành riêng cho những món nhà quê. Từ đó, tôi thấy cái gì giống quê là thương. Hơn hết, tôi còn mến luôn cả người nhà quê, bởi họ chất phác, thiệt tình và hào phóng”.
Thức dậy từ lúc 3 giờ, bà Đặng Thị Triều, ngụ phường 4, TP.Tân An, bắt đầu cắt rau trong vườn, đồng thời thu mua thêm các loại bầu, mướp, đu đủ,... của người dân xung quanh nhà, sau đó đem ra chợ phường 2 bán. Tiếng mời chào ngọt ngào và sự tử tế trong buôn bán giúp những món nhà quê của bà rất được khách hàng ưa chuộng. Bà Triều tâm sự: “Lúc trước, gia đình tôi sống bằng nghề chăn nuôi vịt. Sau này, vợ chồng tôi lớn tuổi nên không chăn nuôi nữa. Ở nhà không có việc làm, vợ chồng tôi trồng rau để dùng trong gia đình. Trồng nhiều quá, ăn không hết nên đem ra chợ bán kiếm đồng ra, đồng vào. Thấy nhu cầu của khách hàng thích ăn các loại rau, quả ở quê, vợ chồng tôi thu mua thêm của người dân xung quanh. Các loại rau đồng tôi bán bảo đảm an toàn, bởi nông dân chúng tôi trồng chủ yếu để ăn trong gia đình, khi nào có dư mới đem bán”.
Hàng ngày, bà Phạm Thị Thanh Trang, ngụ huyện Thạnh Hóa, đều đem sen, trứng gà vườn lên TP.Tân An bán.
Nhờ vậy, bà có thu nhập ổn định nuôi hai người con đang tuổi ăn học. Được biết, gia đình bà Trang sống bằng nghề chăn nuôi gà, tuy nhiên bị thương lái ép giá, trứng gà bán không có giá, vì vậy bà quyết định đem lên TP.Tân An bán kiếm lời.
Ngày nay, trong xu thế phát triển, các loại bánh ngày càng đa dạng về chủng loại và phong phú về mùi vị, hình dáng. Tuy nhiên, bánh dân gian vẫn luôn giữ cho mình một vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Đơn sơ mà ngọt lành, chiếc bánh quê hương lưu giữ tinh túy của những sản vật làng quê và sự chăm chút của người chế biến.
Đang cầm trên tay một đòn bánh tét, bà Trần Thị Ngọc Lan, ngụ phường 2, TP.Tân An, trải lòng: “Trong tiết trời se lạnh, cả gia đình tôi quây quần bên bếp lửa của nồi bánh tét đêm 30 tết. Tại đây, các thành viên trong gia đình tâm sự chuyện một năm đã qua, đồng thời dặn dò nhau trước thềm năm mới. Thế nhưng, đó là câu chuyện của trước đây, còn bây giờ, anh em tôi mỗi người một nơi, mẹ đã mất, những buổi sum họp gia đình ngày càng "xa xỉ", nhất là dịp tết. Vì vậy, bánh tét đối với tôi chứa đựng bao ý nghĩa thiêng liêng về gia đình và hương vị của quê hương”.
Niềm lưu luyến chút quê mùa dường như không phải của riêng ai mà đó là tâm sự chung của những người xa quê. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhiều người có thu nhập ổn định nhờ nghề buôn bán bánh nhà quê. Anh Trần Thanh Tài, ngụ huyện Thủ Thừa, cho biết: “Gia đình tôi có mấy thành viên đều sống bằng nghề gói bánh tét, bánh ú, bánh ít. Hàng ngày, mẹ và vợ ở nhà gói bánh, còn tôi chạy xe bán khắp các tuyến đường ở TP.Tân An. Hôm nào có khách đặt bánh nhiều, tôi mới ở nhà phụ gia đình làm bánh. Tuy công việc vất vả, phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm nhưng đổi lại, gia đình có thu nhập ổn định. Hiện nay, nhiều người vẫn rất ưa chuộng các loại bánh nhà quê này”.
Những món nhà quê giữa chốn thị thành không hẳn là ngon, đẹp, thế nhưng, chúng lại giúp nhiều người có thu nhập ổn định, đồng thời giúp chúng ta nhớ về cội nguồn, ký ức quê hương. Cùng sự phát triển, nhịp sống TP.Tân An ngày càng sôi động hơn nhưng tin rằng, những món nhà quê vẫn có sức sống riêng giữa lòng thành phố.
Kim Ngọc