Tiếng Việt | English

16/09/2017 - 02:50

Sức sống mới Phước Vĩnh Tây

Về xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang chung tay, góp sức làm nên diện mạo mới của một xã anh hùng.

Ký ức hào hùng

Về Phước Vĩnh Tây, chúng tôi may mắn được gặp và nghe ông Nguyễn Văn Kiểm (sinh năm 1946) - nguyên Trung đội phó Trung đội Trinh sát cận vệ trong trận Cầu Kinh, kể về chiến công vang dội, góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi của vùng hạ Cần Giuộc. Dù trở về cuộc sống đời thường nhưng ông Kiểm vẫn nhớ như in khoảnh khắc cùng đồng đội làm nên lịch sử. Nhắc lại những ngày tháng hào hùng ấy, ông không giấu được niềm tự hào pha lẫn xúc động.

Nhiều hình ảnh, tài liệu chiến tranh được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Cầu KinhCuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ thường xuyên càn quét các xã vùng hạ Cần Giuộc với dã tâm chia cắt, khống chế, tiêu diệt vùng giải phóng của quân và dân ta. 8 giờ sáng, ngày 05/6/1967, tàu chiến Mỹ đổ quân dọc ngã ba Làng đến khu vực Cầu Kinh. Với phương châm “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, quân và dân Cần Giuộc gồm Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội 316 và du kích liên xã chiến đấu rất kiên cường. Khi ấy, ông Kiểm cùng đồng đội núp dưới các hầm đào ngụy trang dọc các đám lá, kênh, rạch. Nhiệm vụ của đơn vị ông là chờ địch đến thật gần mới dùng mìn, lựu đạn phản công và bắn tỉa để tiêu diệt. Đến 18 giờ cùng ngày, bộ đội ta bắn cháy 4 máy bay, làm chìm 3 tàu chiến và tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ.

Thắng lợi của trận Cầu Kinh mở màn cho các trận thắng liên tiếp sau đó, làm thất bại cuộc hành quân 45 ngày đêm càn quét vùng hạ Cần Giuộc của Mỹ. Chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” và âm mưu tìm diệt, bình định của địch trên phạm vi toàn tỉnh thất bại hoàn toàn.

Năm 2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An cùng UBND huyện Cần Giuộc tiến hành xây mới Khu di tích Cầu Kinh. Đây là niềm tự hào của người dân Cần Giuộc nói chung và người dân Phước Vĩnh Tây nói riêng. Ông Kiểm phấn khởi: “Điều làm chúng tôi ấm lòng nhất là khu di tích lịch sử được đầu tư xây mới với không gian linh thiêng, hoành tráng. Đặc biệt, hàng năm, khu di tích thường xuyên đón, phục vụ nhiều đoàn tổ chức hoạt động Về nguồn và thăm lại chiến trường xưa. Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm ghi dấu chiến công năm xưa; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Khu di tích lịch sử Cầu Kinh được đầu tư xây mới với không gian linh thiêng, hoành trángĐổi mới trên quê hương anh hùng

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Vĩnh Tây đoàn kết, thống nhất, chung tay vượt qua thử thách, từng bước phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh. Từ một xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135, giờ đây, Phước Vĩnh Tây trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.

Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây lúa 1 vụ năng suất thấp sang nuôi tôm; đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Tính đến tháng 8-2017, xã có 819 hộ nuôi tôm với diện tích 690ha; trong đó, có 583ha đã thu hoạch, năng suất trung bình 2,1 tấn/ha. Với năng suất này, sau 1 vụ tôm, người dân có lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhờ vậy, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,8% (năm 2012 là 10%).

Bên cạnh đó, xã tranh thủ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. 80% đường giao thông liên ấp, liên xã được tráng nhựa, bêtông hóa khang trang, thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân. Ông Huỳnh Văn Bảy, ngụ ấp 1, chia sẻ: “Trước đây, tuyến đường ấp 1 rất xấu, mỗi khi trời mưa trơn trợt, người dân đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ khi các công trình giao thông được đầu tư xây dựng, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi!”.

Tuyến đường ấp 1 được bêtông hóa tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dânCông tác giáo dục, y tế, đền ơn đáp nghĩa luôn được địa phương chú trọng. Đến nay, Phước Vĩnh Tây xây dựng cơ bản cơ sở vật chất 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Trạm Y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Hàng năm, có hơn 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 3/3 ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2019, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Chủ tịch UBND xã - Huỳnh Văn Trí thông tin: “Thời gian tới, xã tập trung thực hiện tiêu chí giao thông. Song song với nhiều công trình do tỉnh, huyện đầu tư, xã tiến hành họp dân thống nhất chủ trương xây dựng các công trình: Cầu Bà Nghĩa, cầu Chín Non, cầu Nhu, cầu Rạch Cưa ấp 3, đường Lầu ấp 2, cầu Cống ấp 1, với tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng, trong đó, kinh phí Nhà nước 920 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Đồng thời, xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH”.

Về Phước Vĩnh Tây hôm nay, điều dễ cảm nhận chính là sự đổi mới trên vùng quê anh hùng. Màu xanh của no ấm khỏa lấp cái tàn khốc của chiến tranh năm xưa. Những nỗ lực trong lao động, sản xuất, ý thức vươn lên của từng gia đình và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền sẽ là động lực để xã sớm về đích trên chặng đường xây dựng nông thôn mới./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết